Loading...

THEO ĐUỔI “TRUE LOVE” TRÁI NGÀNH – Bí quyết nào giúp một Product Designer “ngoại đạo” chinh phục “chân ái”

Share This Post

Share on facebook
Share on linkedin
Share on twitter
Share on email
Reading Time: 11 minutes

| “Hơn 80% khách hàng sẽ chủ động rời bỏ thương hiệu và sử dụng sản phẩm của đối thủ nếu họ có trải nghiệm tồi tệ với sản phẩm”

Đó là lúc Phương Anh (Kat) hiểu ra rằng, UI/UX có tác động trực quan và mạnh mẽ thế nào đến sự gắn bó của khách hàng với “tác phẩm” của mình. Ngay từ năm 3 Đại học, Kat đã là Key member phụ trách chính cho mảng eKYC (định danh khách hàng điện tử) tại một Start Up công nghệ trẻ về trí tuệ nhân tạo AI. Tại đây, Kat đã từng đảm nhận công việc như một Business Analyst, UI/UX Designer và thậm chí là Project Manager cho các dự án outsource. Tuy nhiên, sau rất nhiều thử nghiệm ở các vị trí khác nhau, cuối cùng cô gái ấy đã nhận ra “True Love” mà mình thực sự muốn theo đuổi: Product Designer.

 “Em đã tìm được Base như một món quà đền đáp cho mọi nỗ lực trước đây.”

| KHỞI NGUỒN

Sau phép thử ở rất nhiều vị trí, vì sao Kat nhận ra Product Designer mới chính là “True Love” của mình?

“Em nhận ra rằng không có công việc nào thực sự khiến em tận hưởng và làm một cách say mê như Product Designer. Em đã tìm ra một công thức để xác định “chân ái” trong sự nghiệp: đó là sự cộng hưởng giữa Career LoveProduct Love.

Career Love là đam mê đối với một công việc hoặc nghề nghiệp nào đó, là khi một công việc nằm trong “vùng tạo động lực” của bản thân – nơi em có thể làm việc quên cả thời gian mà vẫn cảm thấy tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Đồng thời công việc ấy khiến em muốn có sự cam kết – chiến đấu đến cùng để thực hiện nó bằng sự nghiêm túc và kỷ luật cao. Trước đây, khi đảm nhận vị trí Project Manager, em học hỏi được rất nhiều kiến thức mới và nâng cấp bản thân khá nhanh vì được làm cùng những người đồng đội giỏi. Nhưng em luôn thấy kiệt sức và căng thẳng vì không hứng thú với việc phải liên tục quản lý, hối thúc tiến độ của dự án. Khi ở vị trí Product Designer thì khác: em có thể thỏa sức tìm tòi về nghệ thuật cả ngày mà vẫn rất hào hứng để sáng tạo các ý tưởng thú vị dù ở mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, đam mê có cháy đến đâu cũng sẽ bị dập tắt dần nếu như không có Product Love – tâm huyết của mình đối với sản phẩm. Quá trình phát triển Product không thể tránh khỏi vô số lần thử nghiệm, va vấp và đứng lên từ thất bại. Để không nản chí trước những vấp ngã, em phải thực sự tự hào và tin tưởng tuyệt đối vào giá trị của sản phẩm, tin rằng chỉ cần kiên trì thì dù là sau 10 hay 100 lần thử và cải tiến nữa, nhất định mình sẽ có cách giúp người dùng giải quyết đúng “nỗi đau” bấy lâu, sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho cách vận hành công việc của khách hàng. Đó cũng là lý do em cảm thấy may mắn khi đã được đồng hành cùng Base – một công ty luôn đề cao User experience, với mục tiêu đem lại “trải nghiệm quốc tế” cho người dùng Việt trên sản phẩm của chính người Việt.

| ĐỘNG LỰC – BÀN ĐẠP

Mình được biết “True Love” này thực ra không đúng với chuyên ngành học của Kat. Động lực nào giúp một bạn trái ngành tự tin theo đuổi công việc này?

“Đúng là em học một chuyên ngành hơi khác – Kinh doanh quốc tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân chị ạ. Nhưng đã yêu thích rồi thì phải tự vẽ con đường của chính mình và cứ can đảm tiến lên thôi ạ, *cười.

Có một câu nói luôn là nguyên tắc giúp em vượt qua mọi rào cản nói chung và trái ngành nói riêng: Mọi thứ đều có “những giao điểm” (The Medici Effect – Frans Johansson). Giao điểm là nơi gặp gỡ (điểm chung) giữa các lĩnh vực, ngành nghề, văn hóa, quan điểm… khác nhau – khi các yếu tố tưởng chừng không liên quan lại giao thoa, dẫn đến những khám phá mới lạ và ý tưởng sáng tạo không ngờ. Điều này cũng khiến em tự tin tận dụng Generalist (Biết mỗi thứ một chút) và Peer Pressure (Áp lực đồng trang lứa) – 2 “nỗi ám ảnh” của GenZ – trở thành động lực lớn nhất giúp bản thân bứt phá.

Trước đây, khi đang trải nghiệm ở nhiều vai trò khác nhau, em thường được mọi người khuyên rằng: “Nếu muốn giỏi điều gì đó, em phải làm nó 10.000 giờ trước đã”. Em nghĩ việc đi chuyên sâu vào một lĩnh vực không sai. Nhưng em chọn “đi ngang” trước để thu nạp được lượng kiến thức rộng nhất có thể và xác định đúng công việc mình yêu thích rồi mới “đi sâu” vào nó. Với em: Generalist không xấu nếu tìm được đúng giao điểm. Việc “đi ngang” sẽ giúp em làm mới những lối tư duy cũ bằng góc nhìn khách quan và toàn diện hơn từ nhiều nguồn kiến thức khác nhau. Từ đó bùng nổ sáng tạo và dẫn đến các ý tưởng độc đáo – điều mà bất kỳ ai làm về Design đều rất cần. 

Hiểu rõ “mọi thứ đều có giao điểm” cũng giúp em vượt qua áp lực từ việc so sánh bản thân với người khác. Thay vì cố gắng trở nên giống một ai đó, em tập trung vào con đường của chính mình: phát triển những điểm mạnh cá nhân và tin vào công việc, sản phẩm mình đã chọn – những giá trị bền vững mà công việc thực sự đem lại cho cộng đồng thay vì thành tích và vật chất hào nhoáng. Em tin rằng mỗi người đều sẽ tỏa sáng khi được đặt đúng chỗ, và việc tìm ra giao điểm của những gì mình đam mê với những kỹ năng mình sẵn có chính là chìa khóa để thành công.”

Quả thực, tư duy rất mới mẻ này đã tạo nên một bạn trẻ (2000) với cá tính và nội lực vô cùng mạnh mẽ – không sợ hãi trước bất kỳ thử thách nào và luôn hào hứng để tiếp nhận những nhiệm vụ, kiến thức mới. Nguyễn Trung Hải – Software Engineer tại Base – cũng là người đã giới thiệu, chỉ lối Kat về Base chia sẻ: “Mình biết Kat vì làm chung một dự án về Healthcare trước đó. Mình rất ấn tượng với năng lượng tích cực mà Kat mang lại, đồng thời là sự nhiệt huyết, tập trung cao độ trong công việc vì muốn được góp sức vào một sản phẩm có ích cho cộng đồng. Đó là lý do mình muốn đưa Kat đến Base: sự tương đồng về tinh thần của một Builder – mong muốn góp phần vào xây dựng một thứ to lớn hơn, chủ động phát triển những giá trị mới và nhận thức rõ được mục tiêu chung thay vì chỉ làm những phần việc được giao ngày qua ngày.”

| HÀNH TRÌNH – SỨC BẬT

Với quyết tâm chinh phục ngành Product Designer, Kat đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu “giao điểm” của các kiến thức trước đây, đồng thời tham gia nhiều khóa học và cuộc thi trong mảng Product Design, UI/UX Design để xây dựng một nền tảng lý thuyết vững chắc. 

Có nền tảng tốt và tinh thần máu lửa rồi, vậy Kat đã tìm được một nơi lý tưởng để cháy hết mình với đam mê chưa?

“May mắn là ngay sau đó, em đã tìm được Base như một món quà đền đáp cho mọi nỗ lực trước đây – một “sân chơi” rất phù hợp để em được hiện thực hóa những ý tưởng sản phẩm của mình.

Điều đầu tiên thu hút em chính là số lượng sản phẩm khủng (60+ app) và chất lượng sản phẩm tuyệt vời mà Base mang đến cho khách hàng – không chỉ đẹp mắt mà còn có logic nghiệp vụ rất chặt chẽ với nhiều triết lý quản trị hay, giúp việc vận hành của doanh nghiệp trở nên trơn tru và tinh gọn.

Bên cạnh đó, Base luôn mở rộng cánh cửa chào đón những bạn trẻ ham học hỏi và đam mê với Product Design dù họ ở bất kể ngành học nào. Đó cũng là “cái duyên” giúp em có cơ hội được thử sức tại một nền tảng đầy thách thức với hàng triệu người dùng thực tế – điều mà em khó có được từ trải nghiệm trước đây.

Và cuối cùng, em tìm được giao điểm hoàn hảo tại công việc này khi những kiến thức về kinh tế mà em tích lũy được từ trường đại học đã trở thành một lợi thế khi làm việc tại đây, giúp em nhanh chóng làm quen với nghiệp vụ phức tạp về quản trị của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm đặc thù như bộ Finance+.”

Với một mảng sản phẩm đặc thù như vậy (B2B SaaS về quản trị doanh nghiệp), làm thế nào để Kat thích nghi và phát triển tại Base?

“Em cho rằng đây là những yếu tố đã giúp em dần tạo nên sức bật của mình khi làm việc tại Base:

1, Tư duy đa chiều trong việc làm sản phẩm: Để có cái nhìn khách quan và toàn diện nhất, em thường đặt mình vào cả 4 góc nhìn: (1) Là người dùng để hiểu rõ những khó khăn và nhu cầu của họ, từ đó đưa ra các phương án giải quyết trúng “nỗi đau” nhất; (2) là chính mình – tư duy của một Designer để thúc đẩy sáng tạo và đưa ra các ý tưởng đột phá; (3) là đồng nghiệp để hiểu vai trò và sức ảnh hưởng của mình đến họ, từ đó giúp em chủ động trong công việc hơn – biết khi nào cần hỗ trợ họ và làm cách nào để giải thích cho họ một cách dễ hiểu nhất; (4) cuối cùng là góc nhìn của tổ chức để biết cách lựa chọn giải pháp, tối ưu sản phẩm sao cho phù hợp với nguồn lực của công ty.

2, Một môi trường lý tưởng: Thật may mắn khi ở Base có những người cộng sự nhiệt huyết, tài hoa, đam mê làm sản phẩm và đều có chung ước mơ lớn: Dùng công nghệ để giúp các doanh nghiệp vận hành tốt hơn, giúp xã hội Việt Nam trở nên hiện đại, văn minh hơn trong thời đại số. Không chỉ vậy, họ còn là những chiến hữu “cùng tần số” với em về tư duy thiết kế sản phẩm khi luôn đề cao việc tối ưu & đơn giản hóa trải nghiệm người dùng trên sản phẩm và tận tâm từ những chi tiết nhỏ nhất. Từ nút bấm (button), biểu tượng (icon) hay mọi dòng chữ (text) đều được đặt nhiều tâm huyết để nghiên cứu, chau chuốt kỹ càng không chỉ trong phần nhìn (UI) mà còn phải tinh gọn trong trải nghiệm (UX). 

Bên cạnh đó, Base cũng là nơi khiến em thoải mái là chính mình khi được trao niềm tin, trao quyền để tự do sáng tạo – kiến tạo những “WOW moments” cho sản phẩm. Anh Nam – Mentor trực tiếp của em thường sẽ là người cố vấn, góp ý từ góc nhìn khách quan, tôn trọng lối tư duy thiết kế của em và cho phép em được tự estimate công việc (Deadline, ý tưởng, cách triển khai). Những người đồng đội cùng em trực tiếp làm sản phẩm cũng luôn truyền cảm hứng để em đạt được những điều bứt phá. Em vẫn còn nhớ một lần, sau khi nhận bản thiết kế đầu tiên cho màn hình đăng nhập BaseID của em, anh Linh – Expert Software Engineer tại Base đã nói: “Anh tin em có thể làm tốt hơn thế mà, phá vỡ mọi giới hạn bản thân đi”. Câu nói như động lực thúc đẩy em thoát ra khỏi những lối mòn trong thiết kế của mình. Cuối cùng, ngay trong đêm hôm đó, em đã hoàn thành bản final với độ phức tạp gấp 5 lần bản đầu tiên – cover được hầu hết các trường hợp có thể xảy ra trên hệ thống.”

3, Có được những “Small Win” đầu tiên: Khởi đầu là cột mốc em chính thức vượt qua 2 tháng thử việc (Mà em nghĩ là khó khăn nhất kể từ khi em bước vào thị trường lao động, *cười) bằng việc đóng góp vào phần UI/UX cho 2 app khó – với nghiệp vụ tài chính phức tạp và đặc thù (Base Expense & Base Service). Sau đó, em được đóng góp nhiều hơn vào các sản phẩm chiến lược khác của Base (Base ID, Base Drive, Base Message) và tự thiết kế Design System cho Mobile. Những dấu mốc dù là nhỏ nhất cũng trở thành động lực mạnh mẽ để em thấy mình đang trưởng thành mỗi ngày, không hoài nghi về năng lực của chính mình và tiếp tục nâng cấp bản thân cho hành trình phía trước.

Là người đã quan sát và dìu dắt Kat từ những ngày đầu chập chững vào Base, anh Nam – Senior UI/UX Designer tự hào với thành viên tuy “nhỏ mà có võ” của team mình: “Kat là một bạn tích cực, chịu khó, ham học hỏi và có tư duy về việc làm sản phẩm khá tốt. Bạn ấy cũng là một người rất trách nhiệm và chu đáo với mọi chi tiết mà mình thiết kế. Thái độ và năng lượng làm việc của bạn ấy đôi khi còn chính là động lực để push tinh thần cho những người đồng đội. Anh rất vui khi thấy được sự trưởng thành của Kat so với lúc mới vào Base, với một phong độ rất ổn định và có sự tiến bộ theo từng giai đoạn. Ấn tượng lớn nhất của anh có lẽ là một lần Kat làm nhiệm vụ nghiên cứu người dùng cho app Base Service. Bản đầu tiên Kat gửi lại mới chỉ đạt 20% kỳ vọng của anh. Tuy nhiên sau khi được động viên và gợi ý hướng đi mới, toàn bộ quá trình tiếp theo bạn đều chủ động tự mày mò và triển khai. Chỉ sau đúng 3 bản, kết quả gần như đạt 100% những gì anh kỳ vọng. Không chỉ vậy, ở những nhiệm vụ khác, Kat cũng nhiều lần làm anh bất ngờ vì những kết quả nằm ngoài mong đợi. Dù vào Base chưa lâu, nhưng với anh, Kat đã có “Big win” của riêng mình: Đảm nhận chính từ đầu đến cuối cho việc xây dựng và update Design System cho Mobile tại Base  – một thành tựu sẽ là bước đà để bạn khai phá thêm nhiều tiềm năng của mình hơn nữa.”

Những người đồng đội tại Base luôn đồng hành và ghi nhận từng dấu mốc trên hành trình chinh phục “True Love” – Product Designer của Kat

Vậy trên hành trình chinh phục “True Love” – Product Designer, Kat đã rút ra cho mình bài học gì?

“Hành trình theo đuổi “True Love” trái ngành thực sự khó khăn, nhưng em luôn tự nhủ: Hãy cứ thử thách bản thân, nỗ lực tìm kiếm những giao điểm trong trải nghiệm của mình để bứt phá và sáng tạo. Em tin rằng, không nhất thiết phải đúng ngành mới đúng nghiệp! Quan điểm giới hạn sự lựa chọn nghề nghiệp của mình trong khuôn khổ những gì được dạy trên trường đã cũ trong thời đại xã hội phát triển nhanh chóng như hiện tại, nhất là khi thế hệ GenZ sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đề cao sự thỏa mãn khi được làm những điều mình yêu thích trong công việc đang chiếm phần lớn lực lượng lao động. Mỗi người đều mang trong mình một dòng chảy thời gian và thế mạnh riêng trên con đường sự nghiệp. Vì vậy, khi đã tìm được một nơi lý tưởng để làm điều mình thích, hãy giữ thái độ nghiêm túc, tích cực, linh hoạt đón nhận những thử thách mới và vững tin vào giá trị của bản thân. Dù nhanh hay chậm, rồi ai cũng sẽ đạt được thành công của chính mình!

Đăng ký nhận thông tin

Tin tức, sản phẩm, công nghệ của Base

More To Explore