“Áp lực lớn như vậy mà vẫn trụ lại được ở đây là tinh thần thép lắm đó!” – Lời nhận xét của Thủy – Tester team HRM+ về Trang Hoàng đã khơi gợi rất nhiều câu hỏi và sự tò mò trong tôi về hành trình cô gái ấy khẳng định bản thân ở vị trí Business Analyst, bởi những gì tôi nghe ngóng được về Trang thường rất “màu hồng”: Xinh đẹp, “chill girl”, phú bà, không có gì ngoài điều kiện, học sinh ưu tú Chuyên Ngữ, du học sinh Hà Lan ngành International Business Administration… Sau khi về nước, Trang cũng bén duyên ngay với vị trí Business Operations tại một Startup tiềm năng trong mảng AI. Dù có background khá sáng và con đường thoạt nghe có vẻ suôn sẻ như vậy nhưng có lẽ đến Base từ khi “chân ướt chân ráo” bước vào nghề Business Analyst cũng khiến Trang gặp không ít thử thách.
Bắt đầu “from zero” với ngành Business Analyst tại Base, đâu là khó khăn lớn nhất với Trang?
“Lúc mới vào Base, mình gần như chưa có một chút kinh nghiệm nào với ngành này. Vì vậy, có vô vàn thứ mình cần học lại từ đầu bao gồm cả Product Mindset, các kỹ năng thiết yếu của một Business Analyst, lượng kiến thức khổng lồ về nghiệp vụ quản trị của sản phẩm… Vốn dĩ chỉ tiếp nạp hết những kiến thức ấy đã rất khó khăn rồi, vậy mà sau 5 tháng, cả team chỉ còn mỗi mình là Business Analyst thôi. Đây vừa là cơ hội – vừa là áp lực rất lớn đối với mình. Thời điểm đó có rất nhiều việc cần xử lý vì sau 2 năm chững lại, team HRM+ muốn làm điều gì đó đột phá hoặc có những update thực sự giá trị cho bộ sản phẩm này. Vậy nên để ôm được những tasks quan trọng cho sản phẩm, thách thức lớn nhất lúc ấy là làm thế nào để “chín” nhanh mà vẫn phải chắc: Có thể sớm độc lập chịu trách nhiệm cho các công việc được giao phó nhưng vẫn đảm bảo nền tảng về Business Analyst, về nghiệp vụ sản phẩm đủ vững thay vì “chín ép” – áp lực phải trưởng thành sớm nhưng thực chất lại rỗng về kiến thức, dẫn đến nhận việc quá sức so với năng lực mà không hoàn thành tốt hoặc gây ra các sai sót không đáng có.”
Hiện tại, tôi được biết Trang đã có sự tiến bộ rõ rệt và đang dần khẳng định được những đóng góp quan trọng của mình tại vị trí Business Analyst khi đảm nhận phần phân quyền cho cả bộ sản phẩm HRM+ – Một trong những nhiệm vụ chiến lược và có độ phức tạp cao nhất của team. Bộ HRM+ đang có khoảng 20 module với nhiều thông tin nhạy cảm về nhân sự (Lương, chính sách thuế, BHXH, thông tin cá nhân…). Vì vậy, việc update mô hình phân quyền cần được làm rất cẩn thận bởi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ module và thông tin bảo mật trong bộ sản phẩm. Quả thực, từ một newbie, cô gái ấy đang từng bước tiến tới thành công khi trưởng thành rất nhanh trong giai đoạn gấp rút và đầy áp lực này.
Vậy điều gì đã giúp Trang vượt qua giai đoạn khó khăn ấy để không “chín ép”?
“Mình tin rằng một tư duy đúng về sản phẩm sẽ là khởi đầu, kèm theo những mục tiêu phù hợp sẽ dẫn đến một tinh thần thép và những hành động chuẩn giúp mình vượt khó.”
| TƯ DUY ĐÚNG VỀ SẢN PHẨM
“Mình vẫn còn nhớ mãi một câu nói của sếp Hùng – Chủ tịch HĐQT của Base: Sản phẩm là “phẩm giá” của người làm ra nó. Phẩm giá thể hiện giá trị đạo đức, nhân cách và vị thế của một cá nhân. Chính vì vậy, việc coi sản phẩm là “phẩm giá” của chính mình có nghĩa là xem nó như một thước đo và tấm gương phản chiếu giá trị, năng lực và sự uy tín của người làm sản phẩm. Việc nhận thức rõ rằng mỗi hành động từ Product-er đều có tác động trực tiếp đến trải nghiệm người dùng và là một mắt xích quan trọng đóng góp vào sự thành công hay thất bại của sản phẩm đã luôn ám ảnh mình không ngừng hoàn thiện bản thân, đồng thời có trách nhiệm, chỉn chu ở những thay đổi dù nhỏ nhất trên sản phẩm, hướng tới những sản phẩm “The Best” thay vì chỉ đơn thuần là làm cho xong việc.
Tư duy ấy chính là yếu tố tất yếu giúp mình không “chín ép” trước áp lực phải “chín” nhanh: không vì vội vàng rồi làm bất kỳ nhiệm vụ nào một cách tạm bợ mà phải luôn trong tâm thế của một Product Owner – hiểu rõ sản phẩm, làm những gì tối ưu nhất cho sản phẩm và sẵn sàng nuôi dưỡng, cải tiến nó trở nên tốt hơn mỗi ngày. Đó cũng chính là lý do mình chuyển từ vai trò Business Operations sang Business Analyst tại Base: Mình thích cảm giác được trao quyền ownership để cống hiến hết sức cho những thứ của riêng mình, khẳng định được tầm quan trọng, vị thế của bản thân thay vì chủ yếu hỗ trợ các phần việc của team khác như tại vị trí Operations trước đó.
| MỤC TIÊU PHÙ HỢP
Có phải tư duy coi sản phẩm là “phẩm giá” của chính mình đã giúp Trang đặt ra được những mục tiêu phù hợp?
“Tư duy ấy chính là kim chỉ nam giúp mình đặt ra mục tiêu phù hợp trong quá trình làm sản phẩm. Bởi việc coi sản phẩm là danh dự của chính bản thân khiến mình luôn muốn “Make the best or nothing” – Không làm thì thôi, còn làm thì phải đến nơi đến chốn, *cười. “The Best” ở đây không phải là so sánh bản thân với những người khác, mà là luôn tự đặt câu hỏi “Liệu đây đã là phiên bản tốt nhất của chính mình hay chưa?”. Phiên bản tốt nhất này được định nghĩa bởi 2 thứ:
1, Năng lực tốt nhất mà mình có thể đạt được: Trong Nguyên lý chiếc thùng gỗ của Dr. Stuart C. D. Gibb, hiệu quả tổng thể của một team sẽ bị giới hạn bởi yếu tố yếu nhất trong team đó. Vậy nên, tại một môi trường có mật độ nhân tài dày đặc như Base, khi tất cả các thanh gỗ đều là những “Talent”, nếu mình là một thanh gỗ yếu, mình sẽ kéo thành công chung của cả team đi xuống. Mình thấy rất có lỗi nếu đồng đội phải mất thời gian, công sức vì những sai sót không đáng có do mình gây ra. Chính vì vậy, việc luôn hướng tới “The Best” không chỉ là cách mình khẳng định vị thế cá nhân mà còn là trách nhiệm của mình với đồng đội, để họ thấy luôn an tâm khi làm việc với mình. Có thể nói: Base chính là môi trường lý tưởng thúc đẩy mình chinh phục “The Best”. Không chỉ có những người đồng đội tận tâm, tài giỏi là động lực để mình phấn đấu mà văn hóa L&D với tôn chỉ “Học vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ” của anh Kiên – Giám đốc Bộ sản phẩm Work+ & HRM+ cũng là điều mình luôn tâm đắc. Học là quyền lợi vì ở Base, mình được cung cấp nguồn tài liệu, khóa học rất phong phú (Từ sách vở, nghiên cứu, báo cáo đến tài khoản học miễn phí trên Udemy). Học cũng là nghĩa vụ bởi mình luôn được khuyến khích chia sẻ lại những kiến thức đã tích lũy được cho những người đồng đội khác trong team – Để cả team luôn là một thể thống nhất về tư duy, kiến thức và cũng là một cách để mình hiểu sâu hơn về những gì đã học. Mục tiêu cuối cùng là áp dụng được những kiến thức ấy vào công việc, giúp mình nâng cấp năng lực và đạt được những kết quả tốt hơn trong quá trình làm sản phẩm.
2, Phương án tốt nhất cho sản phẩm mà mình là Owner: Điều đó nghĩa là phải luôn tự đặt tiêu chuẩn cao trong công việc – ít nhất chính bản thân phải thấy đủ hài lòng và bị thuyết phục bởi chất lượng của những giải pháp mà mình đề xuất, triển khai. Những phương án được đảm bảo là “The Best” phải đáp ứng: Là thứ tối ưu nhất đối với nguồn lực hiện có (không chỉ xuất sắc trong các tính năng riêng biệt mà còn phải đảm bảo không gây xung đột đến các phần còn lại của sản phẩm) và có tính dài hạn (không chạy theo thành tích tức thời như số lượng tính năng, doanh thu mà phải có giá trị bền vững – đáp ứng được nhu cầu của người dùng trong thời gian dài và có khả năng thích ứng với sự thay đổi trong tương lai).”
Người đồng đội “sát sườn” – Anh Sơn – HRM+ Team Leader cũng nhận xét: “Trang có tinh thần học hỏi rất mạnh mẽ và không bao giờ ngại bất cứ việc gì được giao phó. Anh cảm nhận được bạn đến Base với mong muốn được thật sự “own” 1 sản phẩm có ý nghĩa bởi tinh thần “work hard”, luôn hào hứng với những phản hồi từ khách hàng và các bộ phận triển khai, với mong muốn thực sự thấu hiểu bài toán của người dùng để đem lại những giải pháp tốt nhất.”
| HÀNH ĐỘNG CHUẨN
Luôn hướng đến “The Best” chính là mục tiêu của Trang, vậy đâu là chìa khóa để chinh phục “The Best”?
“Đó là luôn giữ tâm thế “Go For No”: Sẵn sàng đối mặt với sự từ chối và những thất bại. Nỗi sợ là rào cản lớn nhất kìm hãm chúng ta bắt tay vào hành động. Vậy nên, làm chủ nỗi sợ và chuyển hóa sự từ chối thành lợi thế để đổi mới sáng tạo chính là cách tốt nhất để chinh phục “The Best”.
Mình rất tâm đắc với 1 câu nói của Thomas Edison: “I have not failed. I’ve just found 10,000 ways that won’t work”. Thất bại không phải điểm kết thúc mà là một phần không thể thiếu trong hành trình trưởng thành và chinh phục sự hoàn hảo. Những ý tưởng, phương án bị từ chối chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để mình loại trừ những “đường cụt” và có những gợi ý mới cho hướng đi tiếp theo của bản thân.
Thật khó để chấp nhận thất bại, nhưng còn tệ hơn khi chưa từng thử để thành công. Muốn nắm được thành công trong tay, ai cũng phải trải qua nhiều vấp ngã. Nhưng tâm thế luôn sẵn sàng “Go For No” sẽ giúp mình giữ vững tinh thần thép để kiên trì với những thứ mình cho là đúng đắn và đáng để làm.
Ở Base, phương án của bạn có thể bị từ chối cả chục, thậm chí cả trăm lần. Đó là vì Base sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp tạm bợ, “hương hoa” nào chỉ để chạy cho kịp deadline. Tất cả đều phải hướng đến tư duy: Make the best or nothing – cũng chính là mục tiêu của mình khi làm sản phẩm. Có lẽ chính vì vậy mà mình nhìn thấy được lý tưởng chung với Base và muốn cống hiến hết mình cho công việc này. Mình sẵn sàng đối diện với những thử thách, bài toán mới và luôn open để lắng nghe những lời nhận xét từ đồng nghiệp, sếp và khách hàng. Dù khen hay chê, đó đều là những lời khuyên bổ ích để mình dần vươn tới lời giải tốt nhất cho sản phẩm.”
“Tích đủ lượng sẽ chuyển hóa thành chất” – Anh Kiên – Giám đốc Bộ sản phẩm Work+ & HRM+ tại Base – quản lý của Trang chia sẻ – “Thời điểm mới vào Base, Trang còn khá non với Business Analyst và những công việc bạn đảm nhận cũng bị “ăn hành” kha khá, *cười. Rất nhiều lần meeting, đề xuất của Trang không được duyệt và phải làm lại hết từ đầu. Nhưng khá bất ngờ là chưa bao giờ anh thấy bạn ấy bỏ cuộc. Dù thử – sai – làm lại ròng rã cả tháng trời nhưng phương án sau luôn có sự cải tiến rõ rệt so với phương án trước. Thậm chí, anh còn thấy tinh thần của Trang ngày càng quyết liệt hơn nhiều. Chính sự tích lũy từ những lần thất bại đã giúp bạn đạt được kết quả như ý và đưa ra được phương án tối ưu nhất tại thời điểm đó.”
Thanh Thủy – đồng nghiệp của Trang tại team HRM+ cũng kể lại một cách đầy trân trọng: “Trang rất nghiêm túc, nhiệt tình và sẵn sàng lắng nghe góp ý từ các chiến hữu cùng làm sản phẩm ở Base. Trang vẫn hay hỏi mình xem viết tài liệu như thế có dễ hiểu không, có cần cải thiện gì không và ghi nhận, tiếp thu mọi đóng góp từ mình mà không ngại bị chê bao giờ. Kinh nghiệm chưa nhiều nhưng bắt buộc ôm nhiều tasks lớn, cộng thêm việc nhận feedback trực tiếp từ người dùng và thấy họ gặp những vấn đề “nhức nhối” trên sản phẩm càng khiến Trang nỗ lực nhiều hơn. Có những hôm mình thấy Trang thức đến 1-2 giờ sáng để phân tích tài liệu và nghiên cứu giải pháp cho sản phẩm. Thực sự mình thấy phục tinh thần của cô gái này. Vì áp lực lớn như vậy mà vẫn trụ lại được ở đây là có tinh thần thép lắm đó!”
Chinh phục Business Analyst từ con số 0 thực sự khó khăn, nhưng mình tin rằng Trang đang dần định vị được bản thân trong vai trò ấy. Vậy làm thế nào để tiếp tục duy trì phong độ và “chín” hơn nữa trong hành trình sắp tới?
“Giống như các loại quả, muốn “chín” cần có không gian, điều kiện thích hợp như ánh sáng, nhiệt độ,… (Một nơi để được thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng những ý tưởng cá nhân) và chất xúc tác như Ethylene – Hormone chín cây (Những áp lực, thử thách mới hay những phản hồi thẳng thắn từ người dùng thực tế). Tuy nhiên, việc “chín” không phải là một cuộc đua tốc độ. Để duy trì những thành quả “The Best” lâu dài, mình cần “chín” một cách tự nhiên, khỏe mạnh và bền vững. Vì vậy, quan trọng hơn cả là tìm kiếm Work-life fit cho chính mình – không quá lao lực vì sự nghiệp nhưng cũng không cần gồng mình để theo đuổi sự cân bằng hoàn hảo giữa công việc và cuộc sống cá nhân mà hãy tìm ra điểm giao phù hợp nhất với nhu cầu, mục tiêu và hoàn cảnh của mỗi người.