Loading...

“Builder” thế hệ mới làm tất cả mọi thứ bằng tình yêu

Share This Post

Share on facebook
Share on linkedin
Share on twitter
Share on email
Reading Time: 19 minutes

Tôi vẫn còn nhớ như in giây phút chứng kiến khoảnh khắc tên chủ nhân giải thưởng “Iconic of the Year” được vang lên trong đêm Year End Party của Base, một cô gái nhỏ nhắn mang theo nhiệt huyết phi thường trong đôi mắt, bước lên sân khấu và kể về hành trình truyền cảm hứng đến bao người, trong đó có tôi. Cô gái ấy chính là chị Vân Anh, người vừa nhận quyết định bổ nhiệm tại Base Office với vai trò Business Consulting Team Leader của Trung tâm Kinh doanh Hà Nội.

Xuất thân là một cây bút trường Báo, đặt những viên gạch đầu tiên của sự nghiệp với năng lực viết lách mượt mà, để rồi mang theo trái tim đầy nhiệt huyết và tinh thần không ngại thử thách đến với Base, làm những điều mới và những điều không tưởng. Chị Vân Anh là một trong số những người đã đi cùng công ty từ những bước phát triển đầu tiên. Câu chuyện của chị như một “truyền kỳ” tại Base về tinh thần dám nghĩ dám làm, dám nhận mọi trọng trách dù là ở vị trí nào và luôn hoàn thành chúng với niềm tin và tình yêu.

Khát khao được toả sáng trong phiên bản tốt nhất của chính mình

Em được nghe rất nhiều về hành trình đầu tiên của chị Vân Anh tại Base với với vai trò “người bắc cầu”, chị có thể chia sẻ nhiều hơn về chặng đường này không ạ?

Hành trình của chị tại Base bắt đầu từ năm 2018 với vị trí PR & Event. Đối với chị thì đây là một quyết định liều lĩnh trên bước đường sự nghiệp, vì trước đây chị chưa từng làm vị trí PR. Kinh nghiệm mà chị có chủ yếu là ở mảng Content Marketing, Digital Marketing thôi. Lúc đó thế mạnh duy nhất của chị chỉ có viết lách, mà đối với một nhân sự phụ trách PR thì điều đó là chưa đủ.

Có rất nhiều trải nghiệm với chị là lần đầu tiên… lần đầu tiên viết một thông cáo báo chí, lần đầu tiên liên hệ với phóng viên, lần đầu tiên viết một bài phỏng vấn, lần đầu tiên tổ chức event, lần đầu tiên làm network và quan hệ báo chí…

Thậm chí, ngày mới vào Base, những khái niệm liên quan đến phần mềm với chị vô cùng mới mẻ, chị không thể hình dung được rằng có những công cụ vận hành công việc giống như Base Wework. Chị vẫn nhớ, ngày xưa mọi người có giải thích với chị rằng là đó là một phần mềm giống Trello nhưng thậm chí… chị còn không biết Trello là gì. Chị rơi vào trạng thái “không biết mình không biết cái gì” để mà hỏi.

KPI đầu tiên của chị ở vị trí này, khi Base tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm E-Hiring tại Sài Gòn, là phải mời 12 đơn vị báo chí đến dự, phải viết thông cáo báo chí và gửi đi sao cho tiếp cận được nhiều đơn vị nhất có thể. Ngày đó, để đạt được KPI, chị đã phải hỏi rất nhiều anh chị trong công ty để hiểu sản phẩm là gì, tận dụng tất cả các mối quan hệ từng có ở trường đại học, thậm chí liên lạc với những người mình chưa từng nhắn tin để hỏi về các cách liên hệ báo chí, phải nhờ các anh chị ở trường góp ý để xây dựng được thông cáo báo chí đầu tay hoàn thiện nhất.

Và kết quả cuối cùng thì sao ạ?

Cũng may mắn là chị đã hoàn thành KPI khi mời được 10 đơn vị báo chí đến dự, gửi TCBC đến hơn 40 toà soạn và có khoảng hơn 20 đơn vị đăng bài. Thời điểm đó theo quy định tại Base là cần thử việc 2 tháng, nhưng chỉ sau 1 tháng chị đã kết thúc quá trình thử thách và lên chính thức rồi.

Những ngày đầu ở Base, chị thực sự đã rất nỗ lực đúng với tinh thần “đi rồi sẽ đến”, thứ duy nhất có là niềm tin, tin ở bản thân rằng mình sẽ làm được tốt. Sự kiện đó cũng có rất nhiều sự cố phát sinh, cũng có rất nhiều người đã nói với chị rằng làm theo cách này không thể xử lý được. Nhưng chị vốn là đứa cố chấp, một khi chưa thử hết sức, chưa đi đến cuối con đường, chị sẽ không cho phép mình dừng cố gắng. Cuối cùng mọi việc đã êm đẹp như cách mình đã tin.

Qua những chia sẻ của chị, em cảm nhận được rằng chị rất yêu và rất hết mình với vị trí PR, vậy tại sao chị lại lựa chọn thay đổi hướng đi khác?

Chị nghĩ chị có một thế mạnh là khi bắt đầu làm một công việc gì, chị đều biết yêu nó và học cách yêu nó. Giống như bây giờ chị chuyển qua làm Business Consultant (BC) cũng vậy, chị cũng từng bước học cách yêu công việc này.

Còn thực sự lý do chuyển hướng thì rất đơn giản, khi gắn bó với bất cứ một công việc hay một doanh nghiệp nào, chị có phương châm của bản thân, đó là phải đáp ứng 3 yếu tố sau: Thứ nhất, chị được tin tưởng và trao quyền, thứ 2 chị nhìn thấy được sự đóng góp của mình cho tổ chức, thấy rằng sự phát triển của cá nhân gắn liền với sự phát triển của tổ chức, thứ 3 chị được toả sáng trong phiên bản tốt nhất của chính mình.

Trong vai trò là một nhân sự phụ trách PR, 2 lý do đầu tiên gần như Base đã đáp ứng được. Chưa bao giờ đội ngũ những người sáng lập mất niềm tin ở chị, đó là thứ chị rất may mắn khi được các sếp dành cho, đó cũng là yếu tố quan trọng giữ chị ở lại cho đến hiện tại. Tiêu chí thứ hai thì chị có cảm nhận được nhưng chưa thật sự rõ ràng, chị nghĩ mọi người đều ghi nhận những gì chị đã làm cho tổ chức, nhưng với bản thân chị thì chị thấy điều đó là chưa đủ, cũng có nghĩa rằng nó chưa phải là những dấu ấn rõ ràng. Mà bản tính của chị thì chị không thích sự mập mờ, cũng không thích những thứ nằm ở lưng chừng giữa cái này và cái khác. Mặt khác đối với công việc của PR, khá khó để đo đếm, khó để lượng hóa, chị biết sâu trong bản thân mình, có điều gì đó vẫn khiến chị chưa thỏa mãn. Chị cũng muốn thấy mình được đóng góp nhiều hơn cho tổ chức này, chị chưa cảm thấy thỏa cái khát khao ấy.

Tiêu chí thứ ba thì chị nghĩ là nó thiếu, chị chưa thấy mình phát huy được hết những tiềm năng và thế mạnh của mình, chị mong muốn có một không gian rộng lớn hơn để phát triển, đó là động lực thôi thúc chị vượt ra khỏi vùng an toàn, tạo nên những dấu ấn riêng biệt.

Lúc đó, chị đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là sang môi trường khác để có cơ hội phát triển lớn hơn, hoặc là lựa chọn ở lại Base nhưng phải thử thách mình ở một vai trò khác. Thực sự thì chị không mất quá nhiều thời gian để nghĩ về việc rời đi hay ở lại, mà chị đã phải nghĩ nhiều hơn về việc ở lại Base nhưng sẽ làm gì khác. Thời điểm đó chị cũng khá may mắn khi có cơ hội được tiếp xúc với một vài khách hàng, chị có cơ hội phỏng vấn họ, lắng nghe chia sẻ của họ, nhìn thấy cách mà Base mang lại giá trị cho khách hàng, rồi nhận được sự cảm kích và biết ơn từ họ, điều đó khiến chị hạnh phúc, điều đó truyền cảm hứng cho chị rất nhiều. Nó thôi thúc chị lao ra tiền tuyến, và chị đã quyết định chuyển sang vị trí Business Consultant.

Bắt đầu mọi việc & làm mọi thứ bằng tình yêu

Chị đã gặp phải những khó khăn gì trong hành trình mới, ở một vị trí mới?

Rào cản đầu tiên là về việc phải “leo xuống núi” và đi lên lại từ đầu, thứ hai là mình phải học cách buông bỏ.

Tất cả thành tựu mình đã có, những mối quan hệ mình đã xây dựng được, mình chấp nhận phải gác lại hoặc bỏ lại phía sau. Bắt đầu đặt mình vào vị thế của một người mới, bắt đầu trong việc chinh phục một hành trình mới.

Ở Base, mọi thứ rất công bằng và không có ngoại lệ. Tất cả mọi người đều phải chứng minh năng lực của mình, mọi người đều được giving trust, nhưng bản thân mình cũng phải “earn trust”. Bởi vậy, chị cũng thử việc như bình thường, bắt đầu từ những cuộc gọi đầu tiên tư, đặt những lịch hẹn đầu tiên để tư vấn cho khách hàng, hay rất nhiều công việc khác để dần chứng minh rằng mình có thể xây dựng được thành tựu từ vị trí này.

Hai tháng đầu tiên ở vị trí mới cũng là khoảng thời gian đầy thử thách với chị, vì thực ra lúc đó chị vẫn chưa chuyển giao được toàn bộ công việc PR cho một bạn khác. Suốt 60 ngày thử thách đã có rất nhiều khoảnh khắc khó khăn, và phải đến ngày cuối cùng của 2 tháng thử việc, chị mới có thể hoàn thành được KPI của mình. Cho đến 6 tháng tiếp theo, chị cũng chưa đạt được thành tựu gì quá xuất sắc, thậm chí đối với cá nhân chị thì nó là tệ. Nhưng em biết đấy, chị là người rất cố chấp, một khi chưa thử đi đến cuối con đường, chị sẽ không dừng lại, chị có một sự ám ảnh với những thứ mình mong muốn đạt được.

Người ta thường nói “vạn sự khởi đầu nan”, vậy sau giai đoạn khó khăn đầu tiên khi phải thích nghi với vị trí mới, đoạn đường sau đó của chị đã diễn biến thế nào ạ?

Quá trình đi đến ngày hôm nay thực sự là một hành trình của sự tích lũy. Khi ta tích lũy đủ về lượng thì sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất. Tất cả những kết quả, những thành tựu mình đạt được mà mọi người nhìn thấy, nó chỉ là một phần của tảng băng. Không chỉ chị, mà chị tin các bạn BC khác cũng như vậy, có rất nhiều những nỗ lực và cố gắng thầm lặng phía sau. Mọi thứ không dễ dàng, để ký được những hợp đồng tiền tỷ thì chị cũng đã làm không biết bao nhiêu bộ báo giá tiền tỉ, chị cũng không đếm nổi, mình đã nhận bao nhiêu lần từ chối để nhận được một cái gật đầu của khách hàng.

Vậy thì làm thế nào để chị tiếp tục hành trình mà không bỏ cuộc?

Chị bắt đầu mọi việc, làm mọi thứ bằng tình yêu.

Có một câu châm ngôn mà chị rất thích: “Thứ gì dùng càng nhiều thì đều sẽ càng vơi đi, chỉ có tình yêu dùng càng nhiều thì càng có nhiều thêm nữa“. Chị yêu tổ chức này, yêu cách mà anh Hùng và đội ngũ founder làm business, nó tử tế khiêm nhường và thành thật. Chị cũng yêu khách hàng của mình, những vị khách có thể kỹ tính cầu toàn, khắt khe, nhưng cũng tử tế, thông minh và vô cùng ấm áp.

Mỗi lần nhìn thấy sếp chị ngồi code đến 11h đêm, đặt trọn tâm huyết để gây dựng tổ chức này, vì tụi chị mà cố gắng… chị biết mình không thể đứng ngoài. Sự tử tế của anh, tâm huyết của anh, tinh thần hardwork của anh đã thôi thúc chị, đã truyền động lực cho chị. Chị cũng luôn biết ơn vì sự tin tưởng mà anh và mọi người đã dành cho mình.

Lòng cảm kích và sự biết ơn là động lực của chị, với chị đó là tình yêu, chị dùng nó mỗi ngày để cố gắng.

Chị nhớ rằng trong buổi bảo vệ sang vị trí Business Consultant cách đây gần 3 năm, chị khép lại phần thuyết trình của mình bằng slide chỉ có 3 từ đó là “tình yêu”, “sự tử tế” và “niềm tin”. Chị nói với mọi người rằng đó sẽ là 3 từ chị luôn mang theo trên hành trình này.

Cho đến buổi level up lên vị trí team leader hôm trước, chị đã chiếu lại slide ấy, đó là slide mở đầu, thứ đã giúp chị có thể cố gắng và đạt được vị trí ngày hôm nay. Hành trình sắp tới chị sẽ mang theo thêm từ “can đảm”. Chị nghĩ rằng ở vị trí hiện tại, khi phải build team, khi mình ở trong vai trò xây dựng đội ngũ kế cận, khi dẫn dắt thêm nhiều member khác thì sự can đảm là yếu tố nhất định cần có.

Em hiểu rằng chị làm mọi thứ bằng tình yêu, nhưng làm thế nào để yêu? Học cách yêu một thứ như thế nào?

Đối với chị tình yêu là sự thấu hiểu, chỉ khi mình hiểu thì mình mới có thể yêu, yêu cả những điều tốt và bao dung cho cả những điều chưa hoàn hảo. Chỉ cần các em xác định giá trị cốt lõi phù hợp với mình, những thứ khác chúng ta có thể bao dung. Điều này không chỉ đúng với công việc, mà đối với cả tình cảm gia đình, hay thậm chí là tình yêu nam nữ.

Vậy làm thế nào để thấu hiểu, em muốn yêu công việc, em phải hiểu được tường tận về nó. Hãy tự hỏi bản thân, mình đã hiểu công việc này chưa? Mình đã hiểu sản phẩm của mình chưa, mình đã thực sự hiểu khách hàng và những mong cầu của họ? Mình đã đau đáu nghĩ về nó mỗi ngày?

Chị đã phải rất nhiều lần đi tìm gặp team Product để tìm câu trả lời cho việc “Tại sao lại là tính năng A?”, “Tại sao anh không làm tính năng B?”, hay “Tại sao sản phẩm của mình lại phát triển theo hướng này mà không phải hướng kia?”. Thực sự rằng nếu không hiểu tường tận, sẽ rất khó để yêu. Chị cũng rất nhiều đêm trăn trở về bài toán của khách hàng, tập đặt mình vào vị trí của họ để hiểu.

Ở cấp độ cao hơn, tình yêu không chỉ dừng lại ở việc thấu hiểu, mà chúng ta cần có trách nhiệm để giúp nhau tốt lên. Mình có phải là người thấy cách làm này chưa tốt, thấy điểm này sai, thấy sản phẩm chỗ này chưa hoàn thiện, sẽ sẵn sàng góp ý, hoặc tham gia vào để fix? Mình có chấp nhận gánh vác trọng trách, có sẵn sàng đương đầu, có dám là người tiên phong? Công việc chưa tốt thì mình có tìm cách thay đổi, sản phẩm chưa tốt mình có đi phản hồi tới nơi để cải thiện?

Chị cắt nghĩa “tình yêu” là như vậy.

Còn làm thế nào để yêu? Đôi khi hãy nhìn nó ở góc nhìn khác đi, mình sẽ nhìn thấy được những điều thú vị. Ban đầu có thể những công việc như gọi điện, đặt lịch hẹn với khách hàng là những nhiệm vụ nhàm chán, nhưng khi em làm nó tự nhiên như hơi thở, như cuộc sống hàng ngày, thì đó không phải là làm, mà là trải nghiệm, em sẽ thấy nó thú vị. Em sẽ đi găp khách hàng trong tâm thế hào hứng, chờ đợi như đi gặp một người bạn, em nói chuyện với họ không đơn thuần về câu chuyện giới thiệu sản phẩm mà hỏi họ về những thứ mà họ đang trăn trở hàng ngày, họ chia sẻ, tâm sự với em, kể em nghe nhiều câu chuyện thú vị khác, lúc đó việc đi gặp khách hàng không còn là điều khô khan và nhàm chán.

Sự vật chỉ là sự vật, nó chỉ trở nên khác đi dưới lăng kính của mỗi người. Việc nó trở nên như thế nào, hay mình cảm thấy như thế nào, là do cách mình làm và cách mình cảm nhận, chứ không phải do bản thân sự vật, hay sự việc đó.

Kể cả có yêu một người thế nào đi chăng nữa, thì đôi khi mình sẽ cảm thấy mất động lực, không còn gì để cố gắng, không biết phải tiếp tục làm gì, thì lúc đó phải giải quyết thế nào?

Chị biết rằng hầu hết các bạn BC đều từng rơi vào trạng thái như vậy. Cá nhân chị hay có vài hướng giải quyết trong những trường hợp thế này.

Trước hết, chị sẽ quay trở về lý do chị bắt đầu. Tại sao ngày xưa mình lại lựa chọn con đường này? Động lực nào để mình cố gắng? Lý do mà mình bắt đầu thực sự rất quan trọng. Đôi khi chúng ta bị quên mất lý do bắt đầu vì một vài khó khăn hay rào cản trước mắt.

Thứ hai, chị sẽ nghĩ về những khoảnh khắc đáng giá và tốt đẹp mà mình đã từng được trải qua, nhìn nhận xem nó có đáng không, để mình tìm lại cảm giác happy và động lực cố gắng. Đôi khi vì một vài khoảnh khắc u tối mà mình cũng quên đi những điều đẹp đẽ mình từng được trải qua.

Và có một thứ rất quan trọng, đó là động lực của mỗi cá nhân. Chị nghĩ rằng tất cả những bạn Basers đạt được những thành tựu nhất định, đều có đặc điểm chung là có động lực rất lớn. Động lực đó có thể là bất cứ thứ gì, đối với một số bạn thì đó là vợ, là chồng, là con, với một số bạn là đồng nghiệp, là sếp, với một số bạn khác là tiền bạc, tài chính, hoặc đơn giản chỉ là khẳng định giá trị bản thân. Dù là gì đi chăng nữa, thì mỗi bạn đều phải có bởi nó giống như điểm tựa, trong lúc khó khăn nhất nó sẽ là sức mạnh để các em chiến đấu.

“Lòng can đảm không phải là thước đo để đánh giá sự thành công hay thất bại của một người leader, nhưng vào những thời khắc quyết định… lòng can đảm đều được đem ra thử thách”

Ở vai trò là người dẫn dắt, vì sao chị muốn mang theo từ can đảm? Chị nghĩ yếu tố nào quan trọng nhất để xây dựng một đội ngũ mạnh?

Đối với chị từ “can đảm” mang rất nhiều ý nghĩa.

Lòng can đảm không phải là thước đo để đánh giá sự thành công hay thất bại của một người leader, nhưng vào những thời khắc quyết định, khi ta phải đứng giữa ranh giới của thù ghét hay khoan dung, của sự bao biện hay thành thật, của nỗi ngờ vực hay niềm tin, của sự buông xuôi hay hy vọng, thì lòng can đảm đều được đem ra để thử thách.

Không phải ai cũng làm được trong những khoảnh khắc như thế, đặc biệt dưới vai trò là một leader.

Chị quan niệm thế này: Giữ cho team của mình không thất bại là một việc thực sự khó khăn nhưng khiến cho team của mình thành công thì là một thử thách còn khó khăn hơn nữa” Bởi nếu không thất bại thì các bạn chỉ cần làm đúng rule, các bạn không làm sai là các bạn sẽ không vấp ngã. Mọi thứ đã có sẵn con đường, an toàn và không rủi ro.
Nhưng để các bạn bứt phá thì mình phải can đảm để các bạn ấy thử những thứ mới, chứng minh những cách làm mà trước nay chưa ai làm, đồng nghĩa với việc một người leader phải sẵn sàng nhận trách nhiệm, chấp nhận rủi ro, và có khả năng xử lý những tình huống khó dự đoán trước.

Đó là dưới góc độ một leader, vậy còn dưới góc độ team member, chị nghĩ làm thế nào để các bạn can đảm, dám làm những điều mới?

Chị đã từng đọc một cuốn sách, trong đó có một câu chị rất tâm đắc thế này: “Leadership is based on inspiration, not domination; on cooperation, not intimidation. Vậy làm thế nào để truyền cảm hứng, truyền sự can đảm và tình yêu? Bản thân mình phải có được điều ấy đã. Khi mà bản thân mình có thì tự khắc nó sẽ lan tỏa được ra bên ngoài. Một người mà có những yếu tố đó đủ nhiều, nó sẽ thể hiện qua cách mà em nói, cách mà em làm hàng ngày

Và chị vẫn luôn nói với các bạn rằng: Các em cứ làm đi, nếu đúng thì là thành tựu của các em, còn nếu sai là trách nhiệm của chị, để các bạn có thể vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân, và có đủ sự tự tin làm những điều các bạn muốn.

Nếu như nói về đội ngũ, Base 2019 đến giờ rất khác nhau. Các bạn mới vào sẽ chưa có nhiều cơ hội làm việc trực tiếp cũng như được truyền cảm hứng từ đội ngũ lãnh đạo như thế hệ đầu. Vậy ở vai trò của chị hiện tại, làm thế nào để truyền cảm hứng cho các bạn? 

Chị hiểu rằng sẽ có một khoảng cách nhất định đối với các bạn Basers thế hệ sau, và đây cũng là một trong những động lực để chị phấn đấu lên vị trí cao hơn và gánh vác những trách nhiệm nặng hơn. Chị nhận ra rằng mình phải làm tốt vai trò là cánh tay nối dài để truyền tải những mong muốn nguyện vọng từ đội ngũ sáng lập đến các bạn mới. Tất cả tình yêu, niềm tin, sự tử tế chị được nhận, được chứng kiến, được trải qua, chị sẽ là người truyền tải đến các bạn ấy.

Chị là người có thể cố gắng vì niềm tin mà sếp Hùng, sếp Bảo trao cho chị, vậy làm thế nào để các bạn khác cũng có thể cố gắng vì niềm tin mà chị và công ty trao cho họ? Có những bạn đã từng tâm sự với chị thế này, động lực của bạn rất đơn đơn giản, bởi vì niềm tin chị trao cho em, em không muốn làm chị thất vọng. Và chị nhận ra rằng nó giống hệt như cách chị đang làm bây giờ, bởi vì niềm tin mà anh Hùng đã trao cho chị, chị cũng không muốn làm anh thất vọng. Chị cố gắng vì đội ngũ lãnh đạo vẫn luôn ở đây, và các bạn thế hệ sắp tới, cũng sẽ cảm nhận được rằng chị vẫn luôn ở đây, để đồng hành cùng các bạn mà không bao giờ rời đi. 

Base là cuộc đời mà chị sống…

Ở vị trí là một team leader, chị sẽ phải đảm nhiệm trọng trách dẫn dắt. Vậy thì quan điểm của chị về các bạn muốn cân bằng công việc và cuộc sống thế nào?

Công ty nào cũng sẽ có hai type, một type chỉ coi đây là một công việc bình thường, các bạn đi làm và hoàn thành đúng trách nhiệm được giao. Các bạn sẽ dễ để cân bằng công việc và cuộc sống. Công ty rất biết ơn và trân trọng các bạn, cũng sẽ cố gắng để trao cho các bạn những gì mà bạn xứng đáng nhận.

Nhóm thứ 2, coi Base là cả một sự nghiệp, là tình yêu, là tuổi trẻ, là giấc mơ và sống chết với giấc mơ của mình. Các bạn dành phần lớn thời gian để build, và ít khi các bạn hỏi chị làm thế thế nào để cân bằng công việc và cuộc sống. Bởi vì công việc cũng là cuộc sống.

Với một số người thì Base chỉ là một công việc, với một số người thì Base còn hơn thế. Vậy đối với chị Base là gì?

Chị nghĩ với chị cho đến hiện tại, Base là cuộc đời mà chị sống. Mọi người thường xuyên hỏi chị là chị có thấy mệt không khi mà làm việc với khối lượng rất lớn, hay phải đi sớm về khuya. Và câu trả lời của chị là khi các em làm việc tự nhiên như hơi thở, công việc đã gắn liền với cuộc sống thì mọi mệt mỏi bằng cách nào đó sẽ tan biến.

Một ngày nào đấy khi chị không còn được đi gặp khách hàng, không còn được đi tư vấn cho các doanh nghiệp nữa thì chị sẽ cảm thấy rất thiếu. Với chị, Base và cuộc đời là một.

Nhưng cuộc đời thì có điểm tốt điểm xấu, vậy điểm xấu của Base là gì ạ?

Là vất vả quá!

Mọi người hỏi chị rằng làm BC có vất vả không, có cực nhọc không? Tất nhiên là có. Member của chị, trời nắng chang chang, mưa gió bão bùng vẫn đi “phượt” sang Đông Anh chỉ để gặp khách hàng và ký những hợp đồng giá trị không quá lớn. Hay thậm chí có những đêm chị cũng hỗ trợ khách hàng đến 2-3 giờ sáng.

Nhưng vào những khoảnh khắc như thế chị cũng tự đặt ra hai câu hỏi, thứ nhất: Có công việc nào nhàn nhã, mà lại có thể đạt được những thành tựu lớn hay không? Thứ 2, sau tất cả những gian nan, thách thức ấy, những thứ mình nhận lại được có đáng không? Đối với chị nó đáng. Khi nhận được lời cảm ơn của khách hàng, sự ghi nhận của khách hàng, sự cảm kích và yêu mến từ họ, chị thấy tất cả vất vả đều đáng. 

Hãy nhớ điều quan trọng này thôi: Nó có đáng để đánh đổi, hy sinh hay không?

Trong suốt thời gian làm BC, chị có thống kê được số lượng các cuộc họp với khách hàng của mình không?

Chị biết rằng các bạn BC khác thường ghi lại những con số đó, tuy nhiên cá nhân chị thì chưa từng làm điều này. Chị là người quan tâm hơn về những giá trị mình trao đi và nhận lại được, chị ít khi để ý đến những con số là mình phải đặt bao nhiêu cuộc hẹn, gặp bao nhiêu khách hàng. Chị chỉ để ý rằng mỗi khách hàng chị gặp, làm thế nào để mang lại giá trị cho họ nhiều nhất có thể, hơn những gì họ kỳ vọng. Thay vì nhìn vào số lượng thì chị tập trung vào chất lượng nhiều hơn.

Vậy thì chị cảm thấy bản thân mình có mang theo nỗi “ám ảnh” nào gắn liền với Base không?

Chị nghĩ rằng là tất cả các bạn yêu, làm đúng và làm tốt ở Base đều mang một nỗi ám ảnh chung, dù là BC hay CO, đó là sự thành công của khách hàng. Chị sẽ không chấp nhận đánh đổi tiền, giá trị mà mình nhận được, hoặc kể cả độ lớn của hợp đồng với sự thành công của khách hàng. Khách hàng ký hợp đồng nhỏ mà tỷ lệ thất bại cao, chị sẽ không ký. Khách hàng với hợp đồng lớn, quy mô phức tạp, chưa hợp lý chị cũng sẽ không ký. 

Với Base, chị mang theo nỗi ám ảnh lớn là làm thế nào để Base tăng trưởng, lớn mạnh, phát triển mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi nguyên bản. 

Chị có kỳ vọng sẽ trở thành ai, hay đứng ở vị trí nào trong vài năm nữa không?

Chị muốn được trở thành người có thể ảnh hưởng lên người khác để giúp họ thay đổi tích cực. Với con đường ngắn hạn tại Base thì chị hy vọng rằng có thể góp phần tạo ra những thế hệ kế cận ở Base và tiếp nối tinh thần các founder đã xây dựng phía trước. Chị cũng mong mình có thể trưởng thành để gánh vác các trách nhiệm lớn hơn, để có thể sau này sếp Bảo không phải lo lắng về điều đấy nữa. Giống như sếp Hùng bây giờ, không phải lo lắng vì có sếp Bảo ở đó. 

Ở Base, ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến chị?

Đối với chị thì đó là anh Hùng,  anh chưa bao giờ mất niềm tin ở chị. Chị hiểu rằng anh luôn muốn trao cho chị nhiều cơ hội và tin rằng chị có thể làm tốt. Vấn đề của chị là làm thế nào để chị xứng đáng với những niềm tin ấy. 

Với chị, anh Hùng không chỉ là một người sếp, anh ấy còn là một người anh trai. Chị biết rằng, anh ấy rất mong chị thành công, và đó là động lực để chị cố gắng. Chị cần phải trưởng thành hơn nữa. Chị cũng thấy chị may mắn vì chị đã chọn đúng người để theo. Vì người ta bảo: “Chọn đúng việc, thì thành công một thời, theo đúng người thì thành công một đời”

Sau này, khi có những đứa em, tụi nó là động lực để chị cố gắng. Sự tin tưởng và tình yêu mà chúng nó dành cho chị, khiến chị phải thúc đẩy mình tốt hơn mỗi ngày.

Khép lại buổi phỏng vấn nhân vật đầu tiên, cho bài viết đầu tay, gói gọn trong 60 phút. Còn vô vàn câu hỏi mà tôi muốn được chị Vân Anh giải đáp, nhưng tôi có đôi chút tội lỗi khi chiếm dụng thời gian của một người bận rộn như chị. Trong những phút cuối cùng của cuộc trò chuyện, khi tiếng chuông điện thoại reo lên hiển thị tên người gọi là một vị khách hàng “có số má”, chị Vân Anh vẫn cố nán lại và nói với tôi về một viễn cảnh tràn đầy niềm tin: “Các bạn trẻ ở Base đều là những bạn có những tố chất vượt trội, và chị tin tưởng rằng các bạn sẽ là thế hệ tạo nên những đột phá mới cho Base”.

Chắc chắn rằng, điều chị Vân Anh tin tưởng sẽ thành hiện thực bằng một cách nào đấy, có thể bằng động lực, bằng niềm tin, hoặc cũng có thể giống như chị, làm tất cả mọi thứ, bằng tình yêu.

Đăng ký nhận thông tin

Tin tức, sản phẩm, công nghệ của Base

More To Explore