Loading...

Stanford và những bài học vẫn vẹn nguyên giá trị sau gần 1 thập kỷ nhìn lại

Share This Post

Share on facebook
Share on linkedin
Share on twitter
Share on email
Reading Time: 12 minutes

Tôi được nghe anh Hùng kể chuyện vào một buổi chiều chủ nhật qua màn hình chat vì Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đúng giờ hẹn, anh nhắn tin “xin” thêm 5 phút để “pha cốc cà phê” trước khi click vào link zoom tôi gửi.

Vẫn là CEO Base tại những diễn đàn hoành tráng hay sự kiện sang trọng với hàng nghìn khách mời, nhưng khi không phải là speaker, anh Hùng lại cực khác, mà theo như anh nói, anh thích cái cảm giác làm “engineer” hơn làm CEO. Không chỉ thế, anh cũng thích nói về Base và “feeling” về sản phẩm hơn là nói về bản thân mình. Chà, vậy thì đây là thách thức đối với tôi rồi.

Là founder & CEO của một công ty công nghệ rất được chú ý trong thời gian gần đây, Phạm Kim Hùng – tức “Sếp” như cách gọi thân mật của anh em trong công ty – cũng là người thu hút bút mực báo chí với câu chuyện khởi nghiệp cũng như câu chuyện của chính “chàng trai vàng trong làng Toán học” năm nào.

Với phong cách quen thuộc: tóc đầu đinh, áo phông trơn một màu, ngại ngùng vì vốn không phải là người thích trả lời phỏng vấn, và có cái gì đó hơi vội của một người luôn có quá nhiều việc phải làm, nhưng ánh mắt thì vẫn rất tập trung vào người đối diện qua màn hình điện thoại đang cầm trên tay, anh nói với tôi: “OK rồi, bắt đầu nhé”.

Tại sao lại là builder ạ?”, tôi hỏi anh.

– Vì khi build, chúng ta luôn ý thức được giá trị mà bản thân mình có thể tạo ra.

Anh bảo đối với một startup, khi phát triển đến một giai đoạn nào đó và tăng trưởng nhanh cùng một số thành tựu nhất định, đó là bởi mỗi một người, mỗi một cá nhân trong đó đều đã tạo ra giá trị, và họ đều rất quan trọng.

Cũng chính khái niệm và tư tưởng về builder đã hình thành nên một văn hóa chung ở Base. Ở giai đoạn khởi đầu của bất kỳ Startup nào, khả năng “build something people want” là yếu tố quan trọng nhất. Khi build, tất cả đều đang đặt từng viên gạch lên cùng một bức tường. Một vài người đặt được nhiều gạch hơn những người khác, cũng có người đứng được lâu hơn và với tay lên cao hơn… nhưng chắc chắn là tất cả đều đang tham gia thi công.

Base hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với nhiều thành tựu và tạo ra những giá trị nhất định, nhưng vẫn là một công ty trẻ và các Basers còn rất nhiều việc phải làm. Về phần mình, anh Hùng chỉ mong mọi người nhớ tới mình như một builder – trong số gần 300 con người vẫn đang miệt mài build một thứ gì tử tế đó ở Base, và dù cho thứ đó có “crazy” ra sao, hay các builders có phấn khích và mơ mộng như thế nào, thì tất cả vẫn luôn ý thức được những gì mình đang làm và muốn làm.

Anh có một niềm tin rất lớn vào thứ mình đang làm, và mỗi ngày “thứ” đó đều hiển hiện rất rõ trong trí tưởng tượng của anh”, sếp tôi khẳng định.

Quan sát anh thật kỹ qua màn hình laptop của mình, tôi tự hỏi có bao nhiêu người sau khi đã trải qua đủ loại thăng trầm trong cuộc đời làm startup mà vẫn giữ được trọn vẹn nhiệt huyết với nghề và một niềm tin tuyệt đối vào con đường mình đang đi. Ánh mắt anh Hùng khi nói chuyện qua camera hay khi nói chuyện trực tiếp với tôi thì vẫn thế, rất kiên định và cứ như “trong đó có lửa” vậy.

Bởi đó vẫn là ánh mắt của cậu học sinh THPT khi viết cuốn sách Sáng tạo Bất đẳng thức bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh ngày nào, cũng là ánh mắt của chàng trai 17 tuổi từng 2 lần đạt giải Olympic Toán quốc tế năm xưa.

Sếp tôi vốn “nghiện” Công nghệ, nhưng sau khi tham gia nhiều kỳ thi học sinh Giỏi thì các thầy chỉ muốn anh đi theo “con đường Toán học”. Nếu như ngày đó thật sự “nên duyên” với Toán, thì chắc giờ này anh đang cặm cụi nghiên cứu Toán học, và Việt Nam cũng không có một Nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vinh danh hồi cuối năm ngoái.

“Mối nhân duyên” với Toán học thay đổi bởi một bước ngoặt năm 2007, khi anh Hùng giành được suất học bổng toàn phần của Đại học Stanford – ngôi trường đáng mơ ước đối với bất kỳ sinh viên nào, mở ra hành trình kéo dài 5 năm tại Thung lũng Silicon. Ở xứ cờ hoa, anh học song song cả Khoa học máy tính và Toán. Năm ấy, anh vừa tròn đôi mươi.

Công nghệ và Toán là 2 ngành có rất nhiều điểm chung và dường như không có ranh giới rõ ràng. Nhưng ngay từ thời điểm đó, người thanh niên 20 tuổi đã xác định rõ rằng Công nghệ thông tin sẽ là một ngành cực kỳ hữu ích mà nếu chúng ta có thể build một thứ gì đó thực sự tử tế thì chỉ trong một vài tháng thôi sẽ có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người dùng nó.

Rất nhiều kiến thức về Công nghệ mà anh được học một cách chính thống và bài bản ở Stanford đã giúp anh giải quyết tốt những bài toán sau này. Đặc biệt là luôn có rất nhiều kỹ năng mà chỉ khi chúng ta phát triển sản phẩm đến một giai đoạn nhất định thì chúng mới được áp dụng, trong đó có nhiều kiến thức chuyên sâu về thuật toán, Data Structures, phương pháp xây dựng các hệ thống lớn…”, anh kể với tôi một cách say sưa. Thật ra thì cứ mỗi khi nhắc đến Công nghệ, câu chuyện của anh sẽ rôm rả ngay và mãi không có điểm dừng…

Những trải nghiệm và bài học trong suốt 5 năm lăn lộn ở một môi trường như Stanford có những tác động rất lớn đến tư duy và những quyết định quan trọng trong cuộc đời của anh sau này. Nói là “lăn lộn ở Stanford”, nhưng tôi biết, thật ra thì chính là “lăn lộn” với sách vở và thi cử. “Anh ít khi đi ra khỏi trường lắm, mấy nơi nổi tiếng mà người ta vẫn nói là không thể bỏ qua khi đặt chân đến nước Mỹ anh cũng chưa từng đi. Em biết tại sao không?”, anh hỏi rồi không đợi tôi trả lời. “Vì anh bận học quá ! Ở đó học hành căng lắm, mà anh lại tham học cả Toán và Khoa học máy tính”.

Ở cái nôi đào tạo nhân tài hàng đầu nước Mỹ, không ít lần anh Hùng phải “Wow” vì gặp những người quá giỏi. Nhưng nào đã hết, bên cạnh giỏi, sinh viên Stanford còn rất tập trung và chăm chỉ nữa. Mỗi mùa thi tới, cái thư viện đang lưu trữ hơn 8 triệu cuốn sách ấy lúc nào cũng sáng đèn và luôn mở cửa từ ngày này qua ngày khác. Với anh, được gặp gỡ, quen biết và tiếp xúc với những người giỏi cũng giống như một đặc ân. Tất cả những trải nghiệm đó đều có những đóng góp quan trọng giúp thay đổi cách mà anh nhìn nhận cuộc sống, nhìn rõ bản thân và hiểu được rằng mình thật sự muốn gì, có thể làm được gì và nên làm như thế nào.

Tôi gật gù, mơ hồ tưởng tượng ra cái cảnh hàng trăm con người xuất chúng nhất đang vùi đầu vào sách vở cả đêm lẫn ngày tại ngôi trường có diện tích lớn thứ 2 Thế giới ở bên kia địa cầu rồi thầm nghĩ, có khi nào gặp nhiều người xuất sắc quá thì mình sẽ cảm thấy tự ti không nhỉ.

Dường như đọc được thứ tôi đang ủ trong đầu, anh nói luôn: “Stanford là nơi mà mọi thứ diễn ra nhanh khủng khiếp. Ở đó mọi sự sáng tạo đều không có giới hạn. Nhưng đó không phải là điều để chúng ta cảm thấy chán nản hay nhụt chí mà hoàn toàn ngược lại. Anh nghĩ đó cũng chính là lý do tại sao những điều tuyệt vời vẫn luôn được tạo ra. Khi những người xuất sắc nhất vẫn đang miệt mài và không ngừng cố gắng, điều đó có thể thôi thúc những người khác cực kỳ hiệu quả”.

Về nước gần 10 năm nay, anh Hùng vẫn nhớ như in những lời của Giáo sư Rafe Mazzeo, khi ấy là trưởng khoa Toán của Stanford: “Khi xem xét hồ sơ và quyết định tài trợ học bổng cho sinh viên, Stanford chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng đang trao cơ hội giúp sinh viên có thể học tập tốt hơn, và chúng tôi hạnh phúc khi trao đi một món quà như thế cho những người xứng đáng. Hãy theo đuổi ước mơ của em đến cùng, miễn là nó tốt. Và làm sao để những thứ mà Stanford đã dạy cho em có thể góp phần tạo ra giá trị”.

Tôi như được “giác ngộ” điều gì. Phải chăng chính vì thế mà anh lại nói với chúng tôi về “Value” nhiều đến thế? Ở Base, chúng tôi được tự do làm tất cả những gì mình muốn, chỉ cần điều đó tạo ra giá trị và xuất phát từ trái tim. Ở Base, chúng tôi được trao định hướng, nhưng hơn thế, chúng tôi được trao quyền: Quyền tạo ra những giá trị thực thụ.

Thế rồi kể cả khi đã xây dựng và phát triển Base như ngày hôm nay và cũng mang đến những giá trị nhất định, anh Hùng vẫn cứ trăn trở vì chưa thể trả nghĩa cho Stanford. Món quà mà ngôi trường Đại học hàng đầu nước Mỹ đã trao cho anh là quá lớn, cao quý, và cũng chính là một đặc ân, mà ngày nào còn chưa trả, thì ngày đó sếp tôi còn đau đáu.

Nếu như thời gian học chiếm hết agenda của anh Hùng, thì liệu anh ấy có từng làm thêm khi còn đi học để có một đời sinh viên “chuẩn” như thiên hạ vẫn định nghĩa không nhỉ? Câu trả lời của anh không khiến tôi bất ngờ. CV khá “nghèo nàn” vì quá trình “đi làm” của anh trước khi làm CEO khá “nhạt”. Thế nhưng, anh không làm thêm, anh chỉ tham gia vào các nhóm nghiên cứu khoa học và làm chung dự án với anh Quốc Lê (Quái kiệt AI Lê Viết Quốc – một trong những nhà phát minh trẻ tuổi xuất sắc nhất thế giới) mà thôi 🙂

Anh Hùng tham gia nhóm nghiên cứu và làm dự án từ khi học năm 3 ở Stanford. Ngày ấy, team không cần leader vì “mỗi người đều biết mình phải làm gì”. Không có ai “chỉ tay năm ngón” để giao việc. Nhưng bằng một cách nào đó, từng thành viên trong team luôn nắm rõ công việc của mình, mà điều thú vị nhất chính là sau khi ghép các nhiệm vụ nhỏ lại với nhau thì “kiểu gì cũng ra một lời giải hoàn chỉnh”.

Anh Hùng nghĩ mình may mắn vì được làm việc với những người thông minh và xuất sắc nên đôi khi chẳng cần phải nói nhiều thì mọi người đều hiểu. Nhưng tôi biết là mọi thứ đều có lý do cả. Tôi nghĩ ngay đến Luật hấp dẫn.

Ở Stanford, anh kể là kỹ năng teamwork không chỉ đến từ việc gặp gỡ thường xuyên hay phải nói với nhau quá nhiều, mà quan trọng hơn cả chính là khả năng phân chia công việc ra thành những nhiệm vụ tương đối độc lập để mỗi người có thể tập trung vào giá trị của từng nhiệm vụ nhỏ. Quan trọng tiếp theo chính là khả năng ghép nối và tổng hòa tất cả những nhiệm vụ nhỏ ấy.

Rồi anh “chốt hạ” bí quyết để teamwork hiệu quả theo thứ tự ưu tiên là: 1- Khả năng phân chia công việc khoa học để có thể ghép nối lại một cách bài bản; 2- Các thành viên sẽ làm hết khả năng và tinh thần trách nhiệm; và 3- Khả năng giao tiếp và cách thức trao đổi với nhau để xử lý vấn đề phát sinh.

Đó cũng là mong muốn của anh với đội ngũ Base. Nhiều người nhận xét, có thể vì anh từng ở Stanford nên tư tưởng, niềm tin và những kỳ vọng của anh vào cộng sự là hơi cao quá. Điều này, nhìn từ một góc độ nào đó, có thể nó đúng. Nhưng anh bảo, vai trò quan trọng nhất của anh ở Base trên cương vị CEO chỉ là đảm bảo rằng công ty đang đi đúng hướng và làm sao để tất cả mọi người đều hiểu rõ được những gì Base đang làm và muốn làm, cùng với đó là đưa ra các bài toán. Còn việc giải những bài toán ấy như thế nào, từ trước đến nay vẫn luôn là chúng tôi tự chủ động, phối hợp và teamwork với nhau để xử lý.

Trong số những “trụ cột” đã và đang tạo ra rất nhiều giá trị ấy, có nhiều “lão tướng” vô cùng xuất sắc đã đi cùng anh Hùng từ những ngày đầu tiên – khi mà Base.vn còn là một startup mới ra mắt và trong suốt 3 tháng đầu gần như không có khách hàng.

Tôi có đôi chút tò mò về “vũ khí bí mật” để “lôi kéo” và “dụ dỗ” nhân tài của anh. “Anh chưa từng có suy nghĩ rằng mình phải thuyết phục để giữ một ai đó ở lại. Điều này không nằm trong quan điểm quản trị của anh”, anh thẳng thắn trả lời câu hỏi: “Đã thuyết phục để mọi người có niềm tin giống mình như thế nào?” của tôi.

Trên thực tế thì cho tới bây giờ, rất nhiều lập trình viên đến với Base sau khi đã follow anh Hùng qua nhiều kênh khác nhau. Nhiều người tìm đến vì được truyền cảm hứng và vì những năng lượng tích cực mà họ nhận được từ anh. Một số khác thì đến với một niềm tin mãnh liệt rằng ở Base họ sẽ được tạo mọi điều kiện để cho ra đời những sản phẩm tử tế nhất.

Cũng không ít người đến với Base vì tin tưởng rằng đây chính là nơi họ có thể cảm nhận rõ rệt nhất những giá trị mà mình tạo ra. Và thỉnh thoảng tôi cũng hơi bất ngờ bởi cũng có người đến vì cảm giác tò mò về anh Hùng, về Base, về Luật hấp dẫn của chúng tôi. Nhưng cũng có sao đâu, tôi còn nhớ trong cuốn sách The hard thing about hard things (Gian nan chồng chất gian nan) của Ben Horowitz, tác giả có nhắc một câu: “Lãnh đạo là khả năng khiến người khác đi theo mình, dù họ chỉ theo vì tò mò”.

Từ những ngày đầu tiên của Base và trong suốt nửa thập kỷ qua, mỗi khi nói về công ty, anh Hùng chỉ nói những gì mình thực sự nghĩ và tin. Anh bảo, lúc nào cũng trăn trở phải làm sao để anh em cảm nhận và nhìn thấy được những giá trị mà chính mình tạo ra và tin tưởng rằng công ty đang build những thứ đáng được build, “tất nhiên, cũng có những điều mà anh làm chưa tốt, và anh hoàn toàn trung thực về những điều đó”.

Ở Base, mọi người luôn thẳng thắn phê bình lẫn nhau dựa trên tinh thần cầu thị và cũng luôn có những người tự kiểm điểm một cách trung thực, dù người đó là CEO, CMO, COO,… hay CxO nào đi chăng nữa.

Base là nơi anh Hùng được làm điều mình giỏi nhất cùng những cộng sự xuất sắc

Từ rất lâu rồi, có một câu mà anh Hùng luôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Phải làm thế nào để công ty trở nên tốt hơn?”. Anh bảo, ngày nào còn hỏi câu đó, là ngày ấy công ty vẫn đang đi đúng với sứ mệnh, cũng là để đảm bảo rằng chính bản thân anh và tất cả chúng tôi vẫn còn có thể phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa, “để biết là còn nhiều điều dang dở cần hoàn thiện và chúng ta cần phải khiêm tốn. Con đường học hành của mỗi người vẫn còn rất dài và con đường phía trước của Base cũng vậy”.

Trong nhiều mốc thời gian trôi qua đời mình, anh Hùng nhớ nhất ngày 2 tháng 8 năm 2016, khi Base.vn – trạm dừng chân cuối cùng của anh – chính thức thành hình. Khi ấy, anh chưa chạm mốc 30 tuổi. Khi ấy, anh biết, rằng trong rất nhiều năm tiếp theo, sẽ luôn luôn phải chăm chỉ và tập trung, thậm chí hơn cả khi còn ở Stanford, nhưng không phải chỉ để học, mà còn để chiến đấu.

Base là nơi anh Hùng được làm điều mình giỏi nhất cùng những cộng sự xuất sắc. Là nơi mà anh vừa làm CEO, làm builder, engineer, producer và làm “Sếp”. Nhưng “Sếp” ở đây, không phải “Boss”, mà là “Brother”.

Đăng ký nhận thông tin

Tin tức, sản phẩm, công nghệ của Base

More To Explore