Trong suốt nhiều tháng thực hiện chuỗi bài viết về team Product mà đến nay vẫn chưa thể biết là khi nào thì “task” này mới được tích “done” trên Base Wework, tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với nhiều trụ cột của Base.vn – những người đã đến và ở lại từ khi tổ chức này còn chưa có một hình hài rõ rệt trong làng Công nghệ Việt Nam, và thậm chí là trong trí tưởng tượng của chính họ.
“Bản thân em cũng không nghĩ rằng đã gắn bó với Base được 4 năm rồi. Ngày mới đến, em chỉ biết là sẽ làm thôi. Ngày ấy chưa bao giờ tưởng tượng được rằng Base sẽ như thế nào trong tương lai”, Giang Chu trả lời câu hỏi của sếp Hùng trong ngày Công ty chính thức phát hành cổ phiếu ESOP và Share Awards cách đây tròn 1 tháng.
Mỗi lần được nghe những người thuộc thế hệ đầu tiên của Base kể chuyện, tôi nhận ra rằng có một phần “lịch sử” đồ sộ và cũng rất đặc biệt của tổ chức dù mới chỉ 5 năm tuổi này đã được “đóng đinh” trong ký ức của họ. Tôi cũng nhận ra rằng có rất nhiều những câu chuyện đầy cảm hứng và nhiều cảm xúc của những Basers đời đầu như anh Hardy, anh Kiên, anh Đạt hay Giang Chu rất cần được ghi lại, bởi phần “lịch sử” ấy xứng đáng được nhớ tới, và cũng đáng để tự hào.
***
Lại là một chiều thứ 7. Nhưng không phải trên chiếc sofa màu đỏ nơi tôi từng ngồi đợi Phương Vũ, hôm nay tôi hẹn Giang trên hàng ghế sofa xanh cạnh khu vực Customer Success và đối diện phòng Champions. Không giống như một buổi phỏng vấn hay khai thác thông tin, chúng tôi ngồi cạnh nhau, kể cho nhau nghe nhiều thứ hay ho như kiểu “đã thân từ lâu lắm rồi”. Hoặc cũng có thể chúng tôi dễ hiểu nhau do đều là những người sinh ra vào năm cuối cùng của Gen Y: 1995.
Chưa bao giờ gửi CV vào Base
Bất cứ app hay tính năng mới nào của sản phẩm tại Base trước khi chính thức “chào làng” đều phải vượt qua cửa ải cực khó của team Tester với “trùm cuối” Giang Chu.
Cũng bởi vậy mà trong trí tưởng tượng hạn hẹp của tôi, leader của team Tester phải “ngầu” lắm. Nhưng tháng trước, khi thấy Giang đỏ mặt và ngại ngùng khi tên mình được sếp Hùng xướng lên trong buổi Share Awards, thì tôi đã biết là mọi hình dung của mình trước đó lại có gì sai sai rồi. Team Product vẫn vậy, không ngừng đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Giang Chu là thành viên mang ID 22 của nhà Base. Đến với Base là điều mà cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã chưa từng nghĩ tới, bởi cô bạn đang ngồi cạnh tôi chưa bao giờ ứng tuyển vào startup này. “Chị Xiêm đã nhìn thấy CV của tớ trên web của topCV và liên hệ với tớ”. Đó là thời điểm giữa năm 2017 – khi Giang vẫn đang là sinh viên năm cuối, và khi Base vừa mới thành lập được gần 1 năm.
Nếu như đến với Base là một cái duyên không hẹn trước, thì ở lại và gắn bó với nơi này lại đúng là mong muốn của cô gái 26 tuổi. “Nhưng nếu như nói là chưa từng có suy nghĩ sẽ rời đi thì có lẽ là nói dối rồi”, Giang trải lòng. Tôi không quá bất ngờ, nhưng vẫn cảm thấy có đôi chút tò mò. Vì gần chục con người thuộc team Product đã xuất hiện trong các bài tôi viết trước đó, chưa từng có ai nói với tôi điều này.
“Để nhớ lại xem nào, lần ấy đã xảy ra chuyện gì nhỉ?”, Giang giảm tránh trả lời câu hỏi của tôi về một kỷ niệm không vui. Ánh mắt cô bạn xa xăm và ngập ngừng như kiểu vừa muốn kể, nửa lại thôi.
Buổi phỏng vấn với… CMO
Nhớ lại lần đầu tiên đến văn phòng Base để tham gia buổi phỏng vấn vòng 1, đó là một ngày cuối hè của hơn 4 năm về trước, Giang tặc lưỡi: “Văn phòng bé xíu”.
Những thế hệ đến với Base sau ngày 9 tháng 11 năm 2019 và có buổi Onboard tại văn phòng rộng hơn 1000m2, tọa trên tầng 3 tòa Autumn ở khu vực trung tâm của Thanh Xuân Trung, sẽ chẳng bao giờ có thể hình dung được sự “bé xíu” của cái văn phòng ở 324 Tây Sơn mà Giang vừa nhắc tới.
“Chắc nó chỉ rộng hơn phòng Universe một chút thôi”. Thời điểm ấy, công ty có khoảng 20 người.
Giữa cái sự ngổn ngang và thậm chí là bừa bộn của mấy bộ bàn ghế, vài dàn máy tính, tivi… là một cái bàn gọn gàng được kê ngay ngắn – nơi CMO Hoàng Vương đã phỏng vấn Giang Chu.
CMO của Base.vn là dân code “xịn” bước ra từ Đại học FPT – một trong những nhân vật rất đặc biệt vì “việc gì anh cũng làm được” và vẫn thường được anh em ưu ái gọi là “The Best Supporter” của tất cả các phòng ban. Giang Chu là người đầu tiên, và cũng là duy nhất tính đến thời điểm hiện tại của team Product, “được” gặp anh Vương trong buổi phỏng vấn vòng 1.
“Tớ vẫn ấn tượng với anh ấy từ ngày đó: anh mặc cái áo sơ mi, có vẻ rất nghiêm túc dù văn phòng khi ấy còn ít người, mặt tròn tròn dễ thương và chất giọng miền Nam cực kỳ ấm áp. Chính là một combo đáng yêu”.
Theo học chuyên ngành An toàn thông tin nhưng bởi ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường, Giang đã xác định: “Sẽ không làm Bảo mật. Sẽ trở thành một tester”. Cứ thế, trong suốt những năm Đại học, không biết cô gái này đã trải qua bao nhiêu khóa học thêm về Test Manual, Test Automation về Selenium, về Perfomance… “Tớ nghĩ đó cũng là một điểm cộng cho tớ trong vòng phỏng vấn với anh Vương”.
Tôi không giấu nổi tò mò mà hỏi Giang, tại sao lại chỉ là “vòng phỏng vấn với anh Vương”, vậy sếp Hùng đã hỏi gì ở vòng 2?
“Hoàn toàn không có câu hỏi nào về mặt kiến thức và chuyên môn. Sếp chỉ đánh giá mức độ phù hợp về mặt con người thôi”. Nhưng Giang đã từng nghĩ mình sẽ “tạch” bởi câu hỏi “Em nghĩ mức độ may mắn của mình là bao nhiêu?” của sếp Hùng ngày ấy.
Tự nhận mình không phải là một người may mắn bởi luôn thua trong những trò may rủi, Giang đã cho mình điểm 6, trong khi bản thân biết rất rõ rằng sếp kỳ vọng một con số khác. Sau này trong một cơ hội hiếm hoi, tôi đã có dịp hỏi anh Hùng rằng nếu như chỉ thích những người may mắn, thì tại sao cô bạn tôi vẫn pass khi chỉ được điểm trên trung bình?
“Bởi đó không phải là điểm số thật, nó vốn dĩ không hiểu câu hỏi của anh. Sự may mắn trong mấy trò đỏ đen không phải là thứ anh cần”, sếp tôi giải thích.
Niềm tin chung của những người sinh năm 1995
Tôi biết đến Base từ nhiều năm về trước và vẫn không ngừng thắc mắc tại sao tổ chức này có thể thu hút được nhiều nhân tài như vậy từ khi chưa có bất cứ thứ gì: tên tuổi, sản phẩm, khách hàng, thị trường… Không gì cả. Tôi vẫn luôn tự hỏi: “Niềm tin vào Base từ 4,5 năm trước của những du học sinh và những sinh viên xuất sắc đến từ Top 5 các trường Đại học hàng đầu Việt Nam, từ đâu mà có?”.
Nhưng suy nghĩ của tôi không phải là cá biệt. “Ngày ấy tớ cũng sốc lắm. Tớ vẫn luôn ngưỡng mộ những bạn học trường Top, thì vào Base, tớ được gặp những người như vậy: Bảo Trịnh, Cúc, Cam, Hưng…”, Giang nhắc đến những cái tên ấy một cách cực kỳ thân thuộc. Họ đã đi cùng nhau hơn 4 năm trên cùng chặng đường của một tổ chức mới 5 năm tuổi. Và họ đều sinh năm 1995.
Họ hôm qua, có thể chưa phân tích được một cách rõ ràng về định hướng sản phẩm, đối tượng khách hàng, cục diện thị trường… để hiểu được rằng con đường Base đã chọn có rủi ro, thách thức và cơ hội như thế nào, nhưng họ luôn nhận thức được những giá trị được tạo ra từ mỗi công việc mà mình làm hàng ngày, và cũng nhận thức rất rõ được những gì mà sếp Hùng đang làm và muốn làm.
Họ hôm nay, sau hơn 4 năm, vẫn chung một niềm tin – thứ niềm tin mà tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng “từ đâu mà có”, thứ niềm tin đã gắn kết họ thành những người bạn, người đồng hành của nhau trên cùng một hành trình.
Có nhiều ranh giới không được phân định bằng cột mốc hay những đường kẻ, mà bằng một chữ “tín”. Hơn 4 năm trước, dường như Giang Chu đã vạch rõ ranh giới với một bên là Base và bên còn lại là những cơ hội khác đến từ những công ty khác “tiềm năng hơn” chỉ vì “đã nhận lời Base rồi”.
Khi biết cô học trò chăm chỉ và tài năng của mình sẽ về với một startup “lạ hoắc” tên Base, một giảng viên Học viện Kỹ thuật mật mã đã muốn giới thiệu cho Giang một nơi khác bởi “làm việc ở một công ty 300 nhân sự chắc chắn sẽ khác ở một nơi còn chưa có tới 30 người”. “Nhưng tớ từ chối vì đã nhận lời với Base rồi”, Giang nói với tôi một cách kiên định.
Quyết định đi tiếp cùng Base là điều đúng đắn nhất
Những ngày “ngược xuôi” với chuỗi bài về team Product, dừng chân ở bàn của các Dev, nhìn ra xa nhất sẽ thấy khu vực của team Mobile, lùi lại một chút là dãy bàn của team BA và Tester – nơi tôi không thấy bàn làm việc của Giang Chu. “Trùm cuối” của team Product ngồi đối diện sếp Hùng – vị trí mà theo như Giang nói, có thể “nghe lén” được rất nhiều thứ hay ho.
“Bảo Trịnh hay sang chỗ sếp và trao đổi nhiều chuyện. Có rất nhiều thứ về sản phẩm mà trước đó tớ không hiểu, nhưng sau khi ‘nghe lén’ thì hiểu được luôn. Không ít lần tớ đã phải ‘Ồ’ lên trong đầu, thì ra tính năng đó phải như thế này, thì ra khách hàng phản ánh như thế kia…”. Giang kể với tôi một cách đầy tự hào về vị trí chỗ ngồi “đắc địa” của mình.
Nhưng đó là chỗ ngồi hiện tại, khi văn phòng Base đã rộng hơn 1000m2, không phải là chỗ ngồi tại thời điểm hơn 4 năm về trước.
– “Khi thấy văn phòng ngổn ngang ở 324 Tây Sơn, cậu có thất vọng không?”, tôi hỏi chân thành.
– “Có chứ”, Giang trả lời chân thành. “Nhưng tớ nghĩ giá trị và tương lai của một tổ chức không nằm ở đó. Đã từng có những khoảnh khắc mà tớ muốn rời đi, nhưng quyết định đi tiếp cùng Base vẫn là đúng đắn nhất. Chẳng còn gì có thể khiến tớ rời khỏi nơi này”.
Trong số những Basers đời đầu, bất cứ người nào cũng có thể kể cho tôi nghe một, hoặc một vài câu chuyện hay ho về Base, và đều rất khác biệt. Gặp gỡ, quen biết và ngồi lại lắng nghe những câu chuyện của họ, mới thấy được rằng đối với ký ức của mỗi người, hành trình của Base chính là hành trình của một đứa trẻ. Và nếu là như thế, năm sau, đứa trẻ ấy sẽ chính thức vào lớp 1. Trước cả một chặng đường dài phía trước cần phải đi, nó vẫn cần lắm sự đồng hành của những người có “niềm tin chung”.
Câu chuyện của những người như Giang Chu cũng giúp cho thế hệ Basers “đời sau” như tôi hiểu được rằng, chúng tôi vừa may mắn, cũng vừa thiệt thòi khi được Onboard ở văn phòng Base rộng hơn 1000m2.