Loading...

Chàng Engineer “thư giãn” nhưng chỉ thực sự “thư giãn” khi hệ thống và hạ tầng ổn định

Share This Post

Share on facebook
Share on linkedin
Share on twitter
Share on email
Reading Time: 9 minutes

Anh Hardy Phạm – CIO của Base từng chia sẻ: “Kỹ sư hệ thống chắc hẳn phải là những chàng developer đủ “cao – to – nhanh – khỏe – khéo”. “Cao – to” là chỉ mức độ sâu rộng của kiến thức chuyên môn; “nhanh” là khả năng liên tục cập nhật những thứ mới; “khỏe” là khả năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp khi hệ thống xảy ra vấn đề; “khéo” là sự cẩn trọng và chi tiết trong từng đường đi nước bước với những update mới cho hệ thống.” 

Hải Trần – chàng trai trong mô tả của anh Hardy đã xuất hiện tại Base khi bạn ấy còn đang là sinh viên năm cuối. Bằng niềm đam mê với công nghệ, nền tảng vững về học thuật, khả năng học hỏi, sáng tạo và sự nhiệt huyết khi chia sẻ về những sản phẩm cá nhân mà mình đã tự mày mò chính là yếu tố “sát thương cực mạnh” đến các anh bên chuyên môn trong buổi phỏng vấn. Hành trình tại Base của Hải bắt đầu với đa dạng trải nghiệm: Khởi đầu với vai trò Software Engineer để làm quen với technical đặc thù, xung phong sang DevOps để thử sức thiết kế phần Operation – giúp quá trình đưa sản phẩm lên Product của anh em “mượt mà” hơn và gần nhất là vị trí Platform Engineer – cơ hội để nghiên cứu và nâng cấp bài toán technical mới cho hệ thống của Base. Trong hơn 2 năm 6 tháng của hành trình trưởng thành ấy, giải thưởng vinh danh “Cloud Pioneer of the Year 2023” là một sự ghi nhận rõ ràng nhất cho mọi cố gắng của Hải, hướng đến mục tiêu duy nhất của team Infrastructure & System: “Giúp hệ thống ổn định”. 

Hải chia sẻ: “Hơn 2 năm ở Base, em luôn đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Mình ở đây với vai trò gì và mình sẽ đóng góp điều gì cho tổ chức. Giải thưởng vinh danh chính là đòn bẩy cho hành trình bứt phá bản thân của em ở những năm tiếp theo với 3 bài toán: Ổn định hệ thống & hạ tầng – Tối ưu chi phí vận hành – Trải nghiệm vượt trội cho người dùng. Đây chắc hẳn là chặng đường dài với nhiều thử thách nhưng em luôn muốn được trải nghiệm bằng tất cả sự liều lĩnh.”

Cùng tôi lắng nghe câu chuyện của những trải nghiệm “đau thương” khi làm việc với hệ thống, đặc biệt là một hệ thống đồ sộ với hàng triệu người dùng thường xuyên như Base của nhân vật chính số Young Talent lần này – Hải Trần – chàng Engineer “thư giãn” trên mây (Cloud Engineer) nhưng chỉ thực sự được thư giãn khi hệ thống & hạ tầng ổn định. Dù ở mặt trận nào thì Hải Trần vẫn luôn xuất hiện với ưu điểm hướng nội (nội lực), ít nói cùng nhược điểm nói câu nào “chí mạng” câu đó. 

Bài toán không mấy nhẹ nhàng: “Ổn định hệ thống & hạ tầng”

|”Thư giãn” là khi tất cả mọi update cho hệ thống cần phải “ổn” dựa trên những định hướng đã được tính toán và có thể kiểm soát chắc chắn.

Khi bắt đầu, Hải được giao một bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng lại đầy thách thức: Làm sao để hệ thống hoạt động ổn định hơn, đặc biệt là trong các giờ cao điểm như check-in/check-out của hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng Base. Vậy Hải đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

“Ban đầu khi nghe, em thật sự thấy mông lung không biết nên bắt đầu từ đâu, làm phần nào trước, phần nào sau và chỉ số nào sẽ cho thấy kết quả của sự thay đổi này. Thứ duy nhất dẫn lối em lúc đó là mục tiêu “Hệ thống ổn định” – dù có bất kỳ update nào thì hệ thống đều phải chạy “ổn” dựa trên những định hướng đã được tính toán sẵn và có thể kiểm soát rủi ro một cách chắc chắn. Vậy thì cứ job nào giúp thực hiện mục tiêu đó, em sẽ liệt kê và xác định mức độ ưu tiên cùng với thời gian hoàn thành để tiến hành triển khai. Song song với đó, tuy chưa có nhiều trải nghiệm nhưng em có cơ hội được thử các phương án giải quyết dựa trên các kiến thức chuyên môn mình từng được học. Quá trình đó giúp em kiểm chứng được mức độ hiệu quả cũng như kết quả thực tế của rất nhiều phương pháp khác nhau: Caching, load balancing, so sánh giữa tốc độ giữa các thành phần: RAM, disk, network (internal vs public)…” – Hải chia sẻ. 

Chị được biết: Sau những pha thử nghiệm cũng “toát mồ hôi hột” đó, tốc độ các app nhanh như “The Flash” (0,5s), đặc biệt là Base Service – theo như reward cho Hải đến từ anh Phi Hùng (Engineer Manager của Base Finance+) phải không?

“Để có được kết quả đó thì cũng nhiều lần “méo mặt” chị ạ. Bởi có những thứ cần phải được test ở môi trường thực tế để thấy vấn đề ở đâu. Tuy nhiên mọi rủi ro đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể khoanh vùng nguyên nhân, xác định vấn đề và xử lý trong tích tắc. Làm việc với hệ thống là thế chị ạ, ưu điểm là cần đổi mới & sáng tạo, nhược điểm là chấp nhận rủi ro một cách có tính toán và kiểm soát, *cười.”

“Quá trình đi tìm lời giải cho mỗi bài toán đã giúp em vượt qua rào cản trước đây: Không cần phải dựa vào kinh nghiệm hay thâm niên, mỗi cá nhân vẫn có thể tạo ra kết quả và nhận được sự công nhận từ tổ chức bởi những đóng góp của mình. Một điều đặc biệt là em có thể bảo vệ giải pháp của mình trước quản lý khi em có đủ dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục, cùng niềm tin và tư duy đúng đắn về mục tiêu chung.” – Hải chia sẻ.

Reward từ CEO cho tinh thần “dám liều lĩnh” của Hải

Bài toán vô cùng đấu não: “Tối ưu chi phí vận hành”

|”Thư giãn” là khi tìm ra và lựa chọn được phương án hiệu quả nhất, mang lại kết quả tốt nhất nhưng với chi phí hợp lý nhất. 

Với vị trí DevOps, vai trò và những đóng góp của Hải ở phần “Dev” cũng khá rõ ràng rồi, vậy còn trong những bài toán liên quan đến Operation thì sao? 

“Trước đây, quá trình cập nhật sản phẩm lên Production vẫn còn khá thủ công và tốn nhiều thời gian. Với nhu cầu ngày càng cao về tốc độ và độ chính xác trong việc triển khai sản phẩm, bài toán đặt ra lúc đó là phát triển công cụ tự động hóa cho quy trình vận hành (Ops).” 

Sau khi nghiên cứu triển khai, Hải đã phát triển một tool giúp cho các cập nhật của ứng dụng được đưa đến tay người dùng chỉ trong vài phút sau khi developer thực hiện commit, có thể hình dung như việc cập nhật các ứng dụng trên điện thoại. Nói về độ phức tạp của tool đó, anh Hardy chia sẻ: “Để launching được thì tool cần đảm bảo 3 yếu tố: (1) Tốc độ nhanh và có độ chính xác cao; (2) Đảm bảo về bảo mật; (3) Có khả năng mở rộng và cải thiện khả năng cộng tác giữa các developer.”

Tôi hiểu rằng: Việc phát triển một công cụ mới không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc mà còn nâng cao khả năng cộng tác giữa các team phát triển sản phẩm. Bởi vậy, đây không chỉ là phương tiện để cải thiện hiệu quả công việc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm developer với nhau. Khi các công cụ tự động hóa và hỗ trợ quy trình vận hành được triển khai, các team có thể dễ dàng chia sẻ thông tin, trao đổi ý tưởng và phối hợp nhịp nhàng hơn, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và tốc độ triển khai. Việc cải thiện khả năng cộng tác giữa các đội phát triển không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang lại sự linh hoạt trong việc thích ứng với thay đổi và giải quyết vấn đề nhanh chóng.

Trải nghiệm của developer khi sử dụng tool Ops automation do Hải phát triển

Song song với đó, bài toán về Cloud cũng là một phần trong nhiệm vụ này, với chiến lược “Tối ưu bằng cách cắt giảm những chi phí không cần thiết”. Hải xác định mình cần rà soát lại toàn bộ các hoạt động với nhà cung cấp Cloud để phân định 2 thứ: những dịch vụ mà Base có thể chủ động phát triển và những dịch vụ mà Base cần hợp tác với Cloud. Bằng những hành động nhỏ nhưng đã giúp công ty tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn (tương đương với vài nghìn đô/tháng). Việc tối ưu ở task trước đó cũng giúp workload hệ thống của Base giảm sâu, từ đó cty có thể cắt giảm được khá nhiều chi phí hạ tầng do không cần phải duy trì số lượng server nhiều như trước.

Việc tối ưu chi phí khi sử dụng nhà cung cấp dịch vụ vừa giúp công ty tiết kiệm chi phí không cần thiết, giúp team ở thế chủ động hơn trong những giải pháp công nghệ của mình, giảm thiểu sự phụ thuộc và tiến tới tính bền vững. 

Bài toán quyết định đến 80% “dấu ấn” trong mỗi sản phẩm: “Trải nghiệm vượt trội cho người dùng”

|”Thư giãn” là khi ở bất cứ đâu trên sản phẩm, khách hàng đều có được những trải nghiệm vượt ngoài mong đợi, tạo nên sự khác biệt một cách rõ rệt.

Bài toán tiếp theo giúp hiện thực hóa giấc mơ với một nỗi niềm duy nhất từ CEO: Làm sao để tích hợp các phần mềm mới và cũ với nhau một cách hữu ích? Trong khi thứ mà các khách hàng doanh nghiệp cần là một hệ thống thông tin kiểu mới có tính tương tác cao, dễ hòa nhập và có khả năng cộng hưởng, giảm thiểu những thao tác thủ công, hạn chế gây ra những sai sót trong quá trình xử lý dữ liệu mới và cũ.

Nhận thấy nhu cầu đó, bằng tất cả sự hiểu biết và trải nghiệm cá nhân trong quá trình làm sản phẩm tại Base, Hải đề xuất lời giải mang tên “Open Platform” – đã chính thức launching vào SaaS Day 2024 để thử nghiệm và cải tiến. Tại đó, tất cả các ứng dụng bên ngoài có thể tích hợp vào nền tảng của Base chỉ bằng những thao tác đơn giản, giúp giải quyết trọn vẹn nhu cầu của khách hàng chỉ trên một hệ thống duy nhất – đem lại trải nghiệm liền mạch và tiện lợi. Chính vì vậy, khách hàng không cần lo lắng về việc phải lựa chọn giữa sản phẩm mới hay sản phẩm cũ nữa mà hoàn toàn có thể tích hợp chúng với nhau, đồng thời, việc chuyển dữ liệu từ ứng dụng này sang ứng dụng khác cũng trở nên dễ dàng hơn. 

Bên cạnh doanh nghiệp, những indie developer hay freelancer cũng có thể đưa những ứng dụng mà mình phát triển vào hệ sinh thái Open Platform để tiếp cận tệp khách hàng có sẵn của Base. Cộng hưởng giá trị để cùng nhau phát triển – đó là tinh thần mà Base mong muốn lan tỏa thông qua giải pháp này.

Trên hành trình đi tìm phương châm của sự “thư giãn”, cuối cùng Hải đã hiểu rằng: “Thư giãn” chính là “trái ngọt” của quá trình tích lũy về tư duy, kiến thức, kỹ năng chuyên môn đủ vững vàng, từ đó giúp Hải thực sự thỏa mãn và an tâm khi chinh phục được những bài toán hóc búa về technical – đảm bảo tôn chỉ “ổn định, tối ưu hệ thống” của cả team. Đồng thời, chàng Engineer ấy cũng đã thực sự “thư giãn” khi chứng minh được những đóng góp giá trị của bản thân tại Base Platform, dần khẳng định được vai trò và sứ mệnh của mình trong bức tranh tổng quan chung của tổ chức. 

Qua câu chuyện của mình, Hải có thông điệp nào gửi gắm đến các bạn trẻ cũng đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp? 

|Chill có gu (goût) – “Thả trôi & thư giãn” có lý tưởng, mục đích và có động lực.

“Giai đoạn đầu của sự nghiệp là khi em cần thiết lập cho mình một nền tảng vững chắc, cũng là hành trang quyết định tương lai của em sẽ như thế nào. Chính vì vậy, em luôn trân trọng những cơ hội, đặc biệt là cơ hội được thử và kiểm chứng, bởi em hiểu rằng: Có làm thì sẽ có lúc thất bại, nhưng không làm thì chắc chắn là không có gì. Em chọn cách hành động: Càng trải nghiệm những “đau thương” thì mục tiêu và lí tưởng sống sẽ càng rõ ràng hơn. Việc tích lũy những trải nghiệm ấy đã dần tiếp cho em động lực vô hình để cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. 

Giống đa số các bạn trẻ khác, em cũng rất “chill”, *cười. Nhưng trải nghiệm đi làm sớm cho em hiểu ra rằng: Chill không đáng ngại nếu có goût (có lý tưởng để dẫn đường, có mục tiêu để thực hiện và có động lực để thôi thúc) và hãy “sống chất” (những trải nghiệm dù đúng hay sai đều sẽ hình thành nên “chất” riêng và thành công riêng của mỗi người).

Đăng ký nhận thông tin

Tin tức, sản phẩm, công nghệ của Base

More To Explore