Loading...

LEADER UNDER 25 – Nguyên tắc nào giúp Leader trẻ tuổi nhất Base “earn trust”

Share This Post

Share on facebook
Share on linkedin
Share on twitter
Share on email
Reading Time: 12 minutes

“Gánh trên vai trọng trách của một Leader khi mới ở độ tuổi đôi mươi thực sự rất khó. Đã có lúc em hoài nghi chính bản thân, nhưng em luôn tin rằng: Trái ngọt chắc chắn sẽ đến với những chiến binh luôn nỗ lực bằng tất cả sự tử tế và chính trực.”

Trong mắt tôi, Thương được ví như một “viên ngọc sáng” – tham vọng, máu lửa và “tài không đợi tuổi”. Thương luôn thể hiện sự tự tin (nhưng không tự cao) và tích cực bậc nhất trong số những nhân sự thuộc Khối Product, nổi bật và xứng đáng đến mức tôi chưa từng một lần thắc mắc vì sao Thương được cất nhắc lên làm Leader trẻ tuổi nhất tại Base. Tuy quản lý team Tester với đa dạng độ tuổi (thậm chí nhiều người lớn tuổi hơn mình) nhưng cô gái ấy đã thành công “earn trust” và có được sự đồng thuận từ tất cả mọi người.

Sau 3 năm là cử nhân ngành ngôn ngữ mới chuyển mình sang công nghệ từ một “newbie” hoàn toàn, Thương có bao giờ sợ mình bắt đầu muộn so với những bạn bè đồng trang lứa trong ngành Tester không?

“Đối với em, chưa bao giờ là muộn để bắt đầu một thứ thực sự phù hợp với bản thân. Nếu em cố chấp với ngành ngôn ngữ, biết đâu giờ này vẫn đang loay hoay tìm việc, *cười. Dù khởi đầu sau nhưng trộm vía em cũng có được những thành quả (có thể coi là) khá sớm – được tin tưởng giao trọng trách Leader sau khoảng 2 năm làm việc tại Base. Đó chính là động lực rất lớn để em vững tin hơn vào con đường mình đã chọn.

May mắn hơn cả là em lại tìm được đúng “nền văn minh” – môi trường phù hợp ở Base. Dù mới bước chân vào ngành Tester nhưng em như cá gặp nước khi Base tạo điều kiện cho các bạn có nền non-IT ứng tuyển (do đặc thù làm sản phẩm quản trị) và luôn đề cao văn hóa “Builder” –  mỗi cá nhân đều được tận dụng tối đa khả năng và giá trị riêng để đóng góp vào thành công chung của sản phẩm. Bên cạnh đó, những người đồng đội đều là “nhân tài đất Việt” nhưng vẫn không ngừng học hỏi, sẵn sàng dấn thân và cống hiến hết mình vì một sản phẩm có ích cho cộng đồng. Chính điều này đã thúc đẩy em trưởng thành nhanh chóng dù có xuất phát điểm non trẻ.”

Bắt đầu với Base từ con số 0, tâm thế nào đã giúp Thương dù khởi đầu sau nhưng không phát triển chậm?

“Ngay từ những ngày đầu tiên đồng hành cùng Base, em đã luôn ấp ủ mục tiêu trở thành Key member, thậm chí là một Test Leader cho team Work+. Khi ấy, con đường có vẻ còn chông gai lắm vì em đang nhỏ tuổi nhất team và chưa có thành tích gì trong tay cả. Nhưng quan điểm “Khi có tham vọng và mục tiêu rõ ràng, cơ hội sẽ không còn là ngẫu nhiên” đã dẫn lối cho em. Em nhận thức được rằng mình phải tập trung cao độ, chăm chỉ, kiên trì và chủ động nắm bắt mọi cơ hội để được làm, được trưởng thành và được chứng minh năng lực.

Tâm thế ấy cũng đã hình thành sự “lì lợm” của em trước những thách thức trên con đường hoàn toàn mới mẻ này. Sự “lì lợm” ấy có nghĩa là nghiêm túc và quyết tâm làm đến cùng với những gì mình đã chọn. Không làm thì thôi, đã làm thì quyết phải làm đến khi nào thành công rực rỡ chứ nhất định không bỏ ngang. Trái ngọt chắc chắn sẽ đến với những chiến binh luôn nỗ lực bằng tất cả sự tử tế và chính trực. May mắn là cuối cùng em đã từng bước chinh phục được mục tiêu ban đầu của mình.”

Thương luôn toát ra năng lượng của một cô gái đầy tham vọng với những mục tiêu rõ ràng và luôn hành động bằng 200% sự máu lửa. Có lẽ chính tâm thế ấy đã giúp Thương gặt hái được nhiều thành tích “khủng”: Là thành viên chủ chốt của team Tester Work+ suốt 2 năm làm việc tại Base, với nhiều sản phẩm được tin dùng top đầu như WeWork, Workflow, Request…; vượt qua hơn 20 quản lý từ nhiều độ tuổi, phòng ban khác nhau để giành giải thưởng Super Hyper Leader – giải thưởng dành cho học viên xuất sắc nhất của khóa đào tạo quản lý cấp trung tại Base; trở thành Test Leader của team Work+ khi mới chỉ 24 tuổi…

Một số thành tích xuất sắc của Thương trong 2 năm làm việc tại Base

Đằng sau những thành tích xuất sắc ấy chắc hẳn là một quá trình khổ luyện không ngừng nhỉ?

“Có 2 giai đoạn thử thách nhất với em: Lúc mới vào Base và khi team Work+ có những chuyển biến về mặt nhân sự.

Khi mới đồng hành cùng Base, khó khăn lớn nhất đến từ việc em là “tân binh”, các kiến thức thực chiến về nghề Tester hay sản phẩm gần như bằng 0. Trong khi đó, sản phẩm của Base không chỉ có số lượng lớn (riêng bộ Work+ là gần 20 app) mà còn có nhiều logic phức tạp, ẩn sâu mà chỉ có Tester đã làm việc đủ lâu với sản phẩm mới hiểu. May mắn cho em khi đã có những người chị gạo cội tại Base (chị Vũ, chị Hiền, chị Bảo) với tiêu chuẩn cao trong công việc và chuyên môn vững vàng hướng dẫn, chỉ bảo. Cộng với việc dành thêm thời gian học về logic sản phẩm sau giờ làm, cuối cùng em đã bắt nhịp với công việc tốt hơn.

Tưởng chừng như mọi thứ đã ổn định nhưng khi team đang làm việc rất ăn ý, mọi thành viên như đang ở đỉnh cao của mình thì lại phải tách ra vì những định hướng riêng. Đó thực sự là giai đoạn khó khăn với em khi phải gồng gánh lượng công việc gấp nhiều lần trước đó trong khi bản thân chưa kịp phát triển cứng cáp. Đây cũng là giai đoạn bộ Work+ đi vào “chiến trường” với các ông lớn – có quy trình vận hành khổng lồ, bài toán quản trị phức tạp hơn – đòi hỏi tính năng của các sản phẩm cũng cần nâng cấp lên một level khác thì mới có thể giải quyết được. Thời điểm đó em cũng dần “quen mặt” với những tính năng có lượng test case lên tới hơn 500 cases hay những data trên 1000 nhân sự. Bản thân là chốt chặn chất lượng cuối cùng cho sản phẩm nên không được phép có bất kỳ sai sót nào, bởi sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận hành của hàng nghìn khách hàng doanh nghiệp đang tin dùng bộ Work+. Suốt năm 2023, có những giai đoạn mà tháng nào em cũng ở lại trung bình thêm 30 giờ. Dù vất vả như thế nhưng cả team đồng lòng lắm. Bởi sau những ngày lao lực, nhận được những lời cảm ơn, feedback tốt và thấy sản phẩm thực sự giúp ích cho hành trình chuyển đổi số của khách hàng chính là niềm vui lớn nhất của người làm sản phẩm chân chính.

Nơi nào có khó khăn ắt hẳn sẽ đi kèm cơ hội. Em thầm cảm ơn bản thân ngày ấy đã không bỏ cuộc, quyết định ở lại với Base để tiếp tục cùng anh em nuôi dưỡng bộ sản phẩm – đứa con tinh thần – thấy nó lớn lên và mang lại giá trị cho khách hàng mỗi ngày. Chính khoảng thời gian đó đã là cơ hội để em nâng cấp bản thân nhanh chóng, nắm rõ hơn mọi ngóc ngách của sản phẩm và là tiền đề để em được tin tưởng trao trọng trách Test Leader sau này.”

Sau khi vượt qua những giai đoạn khó khăn ấy, Thương đã nghiệm ra điều gì?

“Thành công của một sản phẩm không chỉ là kết quả của một cá nhân mà là sự đóng góp của cả một tập thể. Chính vì vậy, trách nhiệm (với chính bản thân và với đồng đội) là yếu tố cốt lõi để cùng nhau đạt được lý tưởng chung. Chính sự trách nhiệm ấy sẽ giúp một đội nhóm với đa dạng suy nghĩ và tính cách cùng tập trung vào một mục tiêu duy nhất và chủ động làm việc bằng tất cả nhiệt huyết.

Trong suốt quá trình làm việc, em cũng luôn tâm niệm câu nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Mỗi khi gặp phải khó khăn, bất đồng, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác, em luôn dành thời gian để tự vấn và tìm cách cải thiện từ phía bản thân trước. Bởi em tin rằng, khó ai có thể thay đổi người khác, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi chính mình. Khi dám đối diện với những sai lầm, em sẽ mở ra cho mình cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức mới và rút ra kinh nghiệm từ những lần vấp ngã. Khi mỗi cá nhân trong đội nhóm đều có tinh thần cầu tiến, chủ động nhìn nhận lỗi sai và sẵn sàng học hỏi, thay đổi bản thân thì toàn đội sẽ trở nên vững mạnh và hoàn thiện hơn.

Bài học thứ 3 mà em rút ra là “Set high target, but right expectation”. Đặt mục tiêu cao giúp em có tham vọng đủ lớn để thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân và vượt qua giới hạn. Tuy nhiên, em hiểu rằng: Đặt mục tiêu cao không đồng nghĩa với việc không thực tế. Ngay từ nguyên lý SMART của George T. Doran cũng bao gồm “achievable” (tính khả thi) – đảm bảo rằng mục tiêu đủ thách thức nhưng vẫn có thể đạt được trong điều kiện hiện có. Mục tiêu cao đi kèm với một kỳ vọng hợp lý sẽ giúp em không vì quá áp lực, “burn out” mà nản lòng và bỏ cuộc.

Điều cuối cùng, em thực sự thấm thía bài học “Ăn hành để trưởng thành” của sếp mình rồi ạ, *cười. Cảm ơn anh Kiên – Work+ & HRM+ Director vì đã luôn tạo điều kiện và thúc đẩy em phát triển; luôn tử tế, chính trực, vì lý tưởng chung của sản phẩm và cả team trước mỗi quyết định và luôn trao quyền để em được “lớn”. Bất cứ khi nào gặp bài toán khó, những kiến thức, tư duy về logic, quản lý con người… từ anh chính là “phao cứu trợ” thông thái giúp em tìm ra lối đi mới. Sự tận tâm của anh khiến em luôn muốn làm tốt hơn nữa để xây dựng team Tester và team Work+ vững mạnh, là trợ thủ đắc lực của anh Kiên trong công việc.”

Anh Kiên luôn hướng cả team đến lý tưởng chung của sản phẩm và kịp thời ghi nhận những đóng góp của các bạn

Hiện tại, mình được biết Thương đang là Leader trẻ tuổi nhất tại Base, và ngay trong team mà Thương đang quản lý cũng có nhiều đàn anh – đàn chị lớn tuổi hơn. Thương có gặp trở ngại gì không?

“Không tính đến tuổi tác thì mỗi người đều là mỗi mảnh ghép có cá tính, phong cách làm việc rất khác nhau nên không dễ dàng mà tự nhiên hòa hợp chị ạ. Bên cạnh đó, tại thời điểm em mới lên Leader, bộ Work+ đang có nhiều nhân sự mới, chưa hiểu về sản phẩm để cùng nhau gồng gánh trong khi sản phẩm đang rất phức tạp và nhu cầu của khách hàng ngày càng cao. Điều quan trọng là phải liên kết được mọi người với nhau và với mục tiêu chung của bộ sản phẩm. Khi tất cả mọi người đều nhìn về một hướng thì người Leader cần thực sự “earn trust” từ các thành viên để trở thành “thuyền trưởng” dẫn dắt cả đội chinh phục đúng những mục tiêu đã đề ra.”

Vậy đâu là tôn chỉ của Thương khi làm quản lý để thực sự nắm giữ được niềm tin từ các thành viên khác?

“Ở vai trò của một người quản lý trẻ tuổi, em luôn chú trọng “3 Đặt”:

| Đặt bản thân là tấm gương

Người quản lý chính là đại diện – đầu sóng ngọn gió chịu trách nhiệm cho toàn đội nhóm của mình. Chính vì vậy, em luôn cố gắng làm gương cho các thành viên bằng thái độ tích cực, chuyên nghiệp và tính kỷ luật cao. Em thường chủ động học tập kiến thức mới và chia sẻ cho các bạn khác trong team; chủ động tham gia đề xuất và thực thi ý tưởng cho các bài toán của sản phẩm; chủ động hoàn thành đúng cam kết về chất lượng và tiến độ của các nhiệm vụ đã nhận… Em tin rằng, khi người quản lý luôn đi đầu (tiên phong, chủ động) và không ngừng nâng cấp bản thân, tự động các thành viên khác cũng sẽ cùng hướng tới mục tiêu chung và cùng nhau phát triển. Lúc này, năng lực của nhân viên sẽ không bị giới hạn bởi năng lực của người quản lý.

| Đặt ra nguyên tắc làm việc chuẩn mực

Để không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan (tuổi tác, chức quyền, sự thiên vị…), em luôn hướng tới nguyên tắc: WE – luôn hành động như một đội nhóm, mọi trao đổi và giải pháp đều phải hướng tới mục tiêu và sản phẩm chung. “Chúng ta” cùng đối diện với vấn đề và với bài toán được giao, làm việc và ra quyết định dựa trên những gì tốt nhất cho tổ chức. Khi giao tiếp, mọi thành viên đều phải thẳng thắn, lịch sự, khách quan và tôn trọng lẫn nhau. Việc tuân thủ những nguyên tắc này sẽ giúp cả team hoàn thành công việc một cách hiệu quả và xây dựng văn hóa đội nhóm lành mạnh, chuyên nghiệp.

| Đặt mình vào vị trí của người khác

Đó là phải luôn đứng trên góc nhìn của mọi người để có cách hành xử phù hợp và khéo léo với từng đối tượng khác nhau.

Từ góc nhìn của các thành viên, em hiểu rằng nhu cầu đầu tiên của họ là cần được tôn trọng, tin tưởng và trao quyền. Khi thành viên của team Test có bất kỳ vấn đề gì, em đều bình tĩnh trao đổi với họ để hiểu rõ “context – pain – need” (3 yếu tố giúp phân tích sâu vấn đề được dạy tại phương pháp Problem Solving Process của anh Kiên), từ đó mới đưa ra kết luận và cùng các bạn nghiên cứu giải pháp. Thông thường, em sẽ để các bạn tự đưa ra đề xuất và xử lý vấn đề trước. Bởi bản thân các bạn đều yêu thích việc được là “owner” – độc lập trải nghiệm và tự rút ra bài học thay vì được quản lý làm hộ. Tuy nhiên, sự tự do cũng cần nằm trong tầm kiểm soát (phạm vi đủ an toàn) để em có thể “cứu” các bạn kịp thời khi vấn đề quá nghiêm trọng. Vì vậy, em sẽ luôn sát sao để nắm được các thành viên đang làm theo hướng nào, tiến độ, chất lượng ra sao và khi nào cần sự trợ giúp từ mình. Tránh để các bạn bơ vơ hay buông thả trong chính sự tự do ấy.

Từ góc nhìn của sếp, em hiểu rằng anh luôn muốn làm những gì tốt nhất cho đội nhóm, tuy nhiên không phải thành viên nào cũng được làm việc sát để hiểu rõ tâm ý của anh. Chính vì vậy, em luôn tích cực trở thành cầu nối giữa anh và các thành viên phía dưới, giúp anh truyền đạt lại mục tiêu, kỳ vọng để tất cả mọi người đều hướng về một hệ giá trị và tư duy giống nhau. Đặc biệt, em cũng luôn cố gắng đón đầu trước các vấn đề nhiều nhất có thể để đỡ đần cho anh, giúp anh có thời gian tập trung vào những công việc mang tính chiến lược và quan trọng hơn. Bên cạnh đó, người quản lý sẽ luôn muốn thúc đẩy văn hóa học tập để đội nhóm của mình ngày càng phát triển và nâng cấp về tư duy, năng lực. Đó là lý do em cũng đồng tình với quan điểm “Học tập là bắt buộc, không phải lựa chọn” của anh. Để thống nhất văn hóa học tập giữa hàng chục cá thể, chắc chắn ngay từ đầu phải tạo ra một con đường chung phổ biến và dễ dàng nhất. Đối với team Work+ là đọc sách (biết), đào tạo lại cho nhau (hiểu) và đưa ra được các ví dụ thực tế sử dụng cho công việc (áp dụng). Nếu các bạn có cách học riêng, hoàn toàn được quyền đề xuất. Điều quan trọng là phải thể hiện được cách học đó hiệu quả và có ích cho công việc, cho đội nhóm.”

Vậy “bí kíp” nào để một “newbie” chinh phục vị trí quản lý trẻ tuổi nhất như Thương?

“Trẻ tuổi thì không có gì nhiều ngoài sức lực và sự liều lĩnh chị ạ, *cười. Khi còn trẻ hãy mạnh dạn lựa chọn và quyết tâm hết mình với lựa chọn ấy. Không thành công thì cũng thành nhân. Thất bại không phải là kết thúc, mà là cơ hội để bắt đầu lại một cách thông minh hơn. Xông pha, trầy xước và hoàn thiện chính là quá trình trưởng thành để tiến tới thành công.”

Đăng ký nhận thông tin

Tin tức, sản phẩm, công nghệ của Base

More To Explore