Ngày mới ra trường, với chút ít kinh nghiệm của một tư vấn viên đã tích lũy được trong mấy năm là sinh viên, thêm một chút khả năng giao tiếp cũng được gọi là có tí “vốn”, tôi đã nghĩ công việc bán hàng phù hợp với mình. Nhưng không, cuộc đời vả vào mặt tôi một cú rõ đau.
Sau khi ứng tuyển vào 3-4 nơi và liên tiếp bị từ chối, tôi bắt đầu nhận ra là mình chỉ đang tìm một công việc, chứ không thực sự biết mình muốn làm gì.
Thế rồi, một dòng quảng cáo đã “xe duyên” và đưa tôi đến vị trí hiện tại. Khi nhìn thấy mấy chữ: “Bạn có muốn trở thành chuyên viên tư vấn chuyển đổi số?“, trí tò mò trong tôi bị lôi ra: “Chuyển đổi số là gì?“.
Vậy mà đã gần 3 năm kể từ ngày chính thức “nên duyên” với Base. 3 năm – một khoảng thời gian đủ dài để tôi có thể tự tin nhìn lại và kể về chặng đường làm Business Consultant, hay cũng chính là Salesman, của mình.
Gia đình, bạn bè và tất cả những ai chưa từng biết thế nào là Business Consultant, vẫn thường hỏi tôi rằng:
“Chắc cực lắm hả?“
“Mỗi ngày bạn gọi cho bao nhiêu khách hàng, có khi nào cũng gọi cho mình rồi mà không biết không nhỉ?“
“Bạn bán cái gì thế, công ty có bắt mua sản phẩm không?“
Và còn ti tỉ những nhận định, đánh giá không đúng khác về công việc mà tôi đang làm. Tất cả đều nghĩ rằng tôi là một người bán hàng.
Vậy, thật sự thì công việc của tôi là gì?
Việc làm Business Consultant ở Base đòi hỏi tôi thường xuyên phải gọi điện, tư vấn cho khách hàng, và di chuyển đến khắp các quận ở Sài Gòn gần như mỗi ngày.
Bạn chắc chắn sẽ hỏi: “Vậy thì nó có gì khác so với việc làm Sales ở những nơi khác?“.
Khác nhiều lắm. Sự khác biệt được nhìn thấy ngay từ những ngày đầu khi tôi mới đến với Base: từ quá trình đào tạo, các bài kiểm tra kiến thức định kỳ, cho đến sản phẩm, khách hàng, và cả quy trình sau khi bán hàng và chăm sóc khách hàng. Mọi thứ đều khác.
Việc làm Business Consultant ở Base giúp tôi mỗi ngày đều được gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với những người rất xuất sắc. Tôi hiểu thêm được insight của những chủ doanh nghiệp, nhà quản lý trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Rồi thỉnh thoảng, tôi cũng thấy có đôi chút tự hào khi mình có thể tư vấn và đồng hành với họ trong những bài toán khó. Tôi vui khi thấy họ tin tưởng, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ với mình về nỗi đau của doanh nghiệp. Tôi hạnh phúc khi sản phẩm của mình có thể tháo gỡ được những nút thắt mà tổ chức của họ gặp phải.
Khi thấy những giải pháp công nghệ của mình có thể giúp họ tối ưu hiệu suất nhân viên và tiết kiệm được nhiều chi phí, tôi biết, mình đã tạo ra giá trị.
Nhưng, có phải mọi thứ đều hoàn hảo như vậy không?
Tất nhiên là không rồi, cũng có những thời điểm cực kỳ mệt mỏi chứ.
Đó là những ngày mới vào Base, tôi đã phải mất khá nhiều thời gian để làm quen được với phong cách làm việc theo “chuẩn business”. Trước mỗi buổi meeting với khách hàng, tôi đều phải chuẩn bị rất kỹ từ powerpoint, kiến thức, thái độ và cả khí chất nữa, bởi lẽ những người tôi sắp đối diện đều là lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và các cấp quản lý.
Nhưng thật may mắn, tôi đã gặp được những anh chị mentors cực kỳ tử tế. Họ thương tôi lắm. Từ những buổi training về kiến thức, hay những lần test kỹ năng, mọi người đều rất siêng “mắng” tôi vì những lỗi sai “không thể tha thứ”. Những lớp “kèm” nóng ngay sau meeting, hay các buổi giải case hàng tuần của anh chị, tất cả đều đã và đang là nền tảng giúp tôi tự tin hơn trong việc chinh phục khách hàng.
Giờ thì tôi đang là người nắm giữ “sứ mệnh” đó: Là mentor ngầu dạy “bơi” cho mấy đứa em, chỉ mong sao các em “sớm về bờ”.
Thêm một nguồn động lực khác của tôi ở đây, đó là thu nhập. Ở Base, tôi được là người quyết định những lần “level up” của chính mình.
Mỗi lần “level up”, không đơn giản chỉ là thu nhập của tôi tăng, các khoản thưởng và các chế độ đãi ngộ cũng tăng theo, mà còn đồng nghĩa với việc: Tôi lại có thêm những thử thách mới và được tin tưởng để nhận một trách nhiệm cao hơn.
Điều gì tạo nên động lực cho tất cả sự cố gắng đó?
Không chỉ là thu nhập, xung quanh tôi còn có những nguồn năng lượng “khác lạ” lắm.
Sếp tôi rất lạ. Mỗi lần check lịch của sếp, chúng tôi đều thấy ngày nào, giờ nào sếp cũng phải có một meeting nào đó, nhưng lại vẫn cứ ới: “Sáng mai anh rảnh, ai cần anh đi meeting gặp khách hàng cùng không?“.
Và sếp không phải là “cá biệt”. Đồng nghiệp của tôi cũng lạ lắm.
Ở văn phòng, ngoại trừ những lúc gọi điện cho khách hàng và đang bận… ăn, thì lúc nào mọi người cũng cười. Nhiều khi tôi còn tự hỏi “Có phải cái tiếng hí hí phát ra từ mọi ngóc ngách ấy là bí kíp hay chiêu thức bí truyền có thể giúp chúng tôi chiến thằng trong cuộc đua trở thành The Best Sales hay không?“.
Đến với Base đúng là một may mắn. Thậm chí, nhiều khi tôi còn nghĩ mình được ông bụt nào đó giúp đỡ, bởi hầu hết những mục tiêu mà tôi đã tự đặt ra cho mình trước tuổi 30 tuổi, đều đã đạt được.
Tự nhiên tôi nhớ tới một câu mà sếp vẫn thường nói: “Hard work pays off” (mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp). Giờ ngẫm lại, tôi thấy sao mà nó đúng thế.
Hi vọng câu chuyện của tôi có thể lan tỏa nguồn năng lượng tích cực này đến những người làm Sales, và hơn thế, là đưa về những đồng nghiệp tương lai có tâm, có tầm. Hãy tự tin apply nếu bạn cũng muốn trở thành “Chuyên viên tư vấn chuyển đổi số” tại đây: https://bit.ly/3oKayVw