Trước mặt tôi hiện tại là một “tấm chiếu” lựa chọn được “trải” bởi sự tò mò trong câu nói kinh điển của các bậc tiền bối “Khi nào bằng tuổi anh, chú sẽ hiểu được”. Đến thời điểm này, bạn ấy hiểu rằng: “Có những điều phải trải qua – những thất bại và thành công, những niềm vui và nỗi buồn – tất cả đều mang những bài học quan trọng mà chỉ có thời gian mới có thể dạy cho chúng ta”. Nhưng có một thứ nhất định có thể thay đổi được, đó là tâm thế: Sẵn sàng “trải nghiệm, đón nhận những thử thách mới”, “trải nhiều nhất có thể” để từng năm tháng của tuổi trẻ thật “đáng giá”.
Hải chia sẻ: “Cuộc sống cứ bình bình, chán chết…*cười. Em mạnh dạn đi tìm thử thách cho chính mình, gập ghềnh chút nhưng khi nhìn lại sẽ thấy mình đã trưởng thành hơn như thế nào. Mỗi một cuộc thi hay một nhiệm vụ em tham gia đơn giản là để thử những thứ mới và hoàn thiện bản thân. Mỗi độ tuổi đều mang đến cảm giác chinh phục theo cách riêng, và chỉ có “trải nghiệm” mới giúp em có được điều đó…”
Cùng tôi lắng nghe câu chuyện của Nguyễn Trung Hải – cậu Engineer 2k với tư tưởng đặc trưng của người trẻ: Còn trẻ, còn khỏe, tội gì mà không “trải”! của số Young Talent lần này. Đúng là có trải có khác, Hải Nguyễn có một giao diện vô cùng trưởng thành, tông giọng nhẹ nhàng, dễ nghe, cùng cách nói chuyện khá sâu lắng và nghiêm túc. Bên cạnh đó, Hải còn được mệnh danh là “chàng trai vàng” trong làng “săn” huy chương từ thời niên thiếu đến khi lên đại học, các hạng nhất, nhì, ba đủ cả tại cuộc thi về Tin học ở Việt Nam và trên khu vực Châu Á. Cùng xem “trải nghiệm” đã giúp bạn ấy trưởng thành như thế nào trên hành trình sự nghiệp đầu đời nhé!
|Trải nghiệm giúp định nghĩa “hệ giá trị” của cá nhân
Hệ giá trị cá nhân được định nghĩa bởi những nguyên tắc, niềm tin và quan điểm mà mỗi người coi trọng và theo đuổi trong cuộc sống. Nó phản ánh cách mà một người đánh giá đúng sai, ưu tiên các mục tiêu và quyết định hành động dựa trên những gì họ tin là quan trọng, hợp lý.
Vậy “hệ giá trị” mà Hải lựa chọn sẽ như thế nào?
“Xuất phát từ mong muốn phải luôn hoàn thiện bản thân, sau mỗi trải nghiệm khác nhau (sai có, đúng có, vui có, buồn có) là sự chiêm nghiệm – nhìn lại và đúc kết, điều đó dần hình thành nên con người em ngày hôm nay khác ngày hôm qua. Sau khi đúc kết sẽ là tìm kiếm những cơ hội mới để thử lại để tìm ra cách xử lý “ưu việt” nhất.
Gần 4 năm đi làm, 2 kim chỉ nam luôn dẫn dắt em trong mọi quyết định đó là: Giá trị & Tử tế. (1) Giá trị được định nghĩa bởi 2 thứ đó là sự bền vững của sự việc và sự phát triển của bản thân trong dài hạn; (2) Tử tế đơn giản là không làm trái lương tâm, đơn giản hơn nữa là không vì lợi ích của bản thân mà làm ảnh hưởng đến người khác”. Hải chia sẻ.
“Để hiểu một cách đủ thấm và thật sự gọi tên được 02 giá trị đó, thời điểm mấu chốt là khi em quyết định thay đổi công việc, chuyển từ môi trường startup, “cày hơn trâu” sang một môi trường có sự ổn định hơn. Thời điểm đó em có một offer khoảng vài nghìn đô, với nhiệm vụ tham gia phát triển một hệ thống giao dịch ngoại hối và tiền điện tử. “Cái giá” cao ngất ngưởng này làm em “ngửi rõ có mùi để đi lùa gà”, xa hơn có lẽ là một hậu quả khôn lường bởi sản phẩm như thế này chắc chắn sẽ khiến vô số người “mất kha khá”. Dù khoản tiền nhận lại được rất lớn, công sức bỏ ra không nhiều nhưng nếu tham gia thì em đang tiếp tay cho thế lực “bóng tối”. Bởi vậy, em đã dứt khoát trong việc không tham gia phát triển ứng dụng đó và lựa chọn thử sức với con đường mới, đó là trở thành một Software Engineer tại một công ty Product Centric #1 trong lĩnh vực B2B SaaS – Nơi em được giải quyết những bài toán trước giờ chưa được thử sức, độ phức tạp cao nhưng lại gây sự thích thú và tò mò từ một Engineer thuần Backend.” Hải chia sẻ.
|Trải nghiệm để tìm kiếm & lựa chọn “thử thách”
Một quan điểm không còn xa lạ với tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhưng sự khác biệt được tạo nên từ một thái độ mới mẻ trước 1 quan điểm đã quen thuộc: Chủ động tìm kiếm thử thách để trưởng thành thay vì chờ đợi nó tự đến.
(1) “Khi còn là cậu học sinh/sinh viên, trải nghiệm với em như một quá trình học hỏi: Cách để em tích lũy bài học, mở rộng giới hạn và hiểu biết đó là nắm lấy cơ hội tham gia các cuộc thi tin học cấp Quốc gia và cơ hội đại diện Việt Nam tham gia thi đấu tại khu vực Châu Á. Bằng sự tò mò & đam mê cháy bỏng với Toán – Tin cùng động lực luôn muốn tìm thử thách để chinh phục với khát khao nhìn thấy sự trưởng thành của bản thân, em đã từng bước học chuyên tin từ cấp 3, tham gia các đội tuyển để rèn luyện tư duy, tham gia cuộc thi bằng tất cả sự cố gắng. Để rồi khi nhìn thấy những chiếc huy chương giải nhất, nhì hay ba thì đều có những bài học ở đó. Hiện tại khi đến lứa tuổi “quá lứa lỡ thì” cho những giải thưởng ấy, em vẫn luôn động viên, chia sẻ cùng các thế hệ sau này những bài học mà cá nhân mình đã nhận được: Thành tích ấy không chỉ của cá nhân mà đó là công sức của cả một tập thể. Bởi vậy thành tích không phải là đích đến mà sẽ là công cụ và bước đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai.”
(2) Khi bắt đầu “bán mình cho tư bản” một cách tự nguyện, cười*, em chủ động đi tìm cơ hội để vượt qua giới hạn của bản thân, thay vì chờ đợi thử thách đến. Tâm thế đó khiến em “thư giãn“ hơn rất nhiều. Trước khi đến Base ở vai trò Software Engineer, em từng được trải nghiệm ở đa dạng các vị trí như: Research Engineer, Data Engineer, Backend Engineer với mục tiêu thu thập dữ liệu về tỷ giá ngoại hối, làm sạch và mô hình hóa thành các mô hình trong thị trường tài chính, cung cấp dữ liệu các dịch vụ phân tích tài chính trong các thị trường hàng hóa, ngoại hối, tiền điện tử. Đa dạng các vị trí nhưng đều là những ngách của engineering. Những trải nghiệm đó giúp em hiểu rằng: Mình có thể thích nghi trong mọi hoàn cảnh và với mọi bài toán có liên quan trong lĩnh vực. Sự tích lũy giúp em có cái nhìn tổng quan và toàn diện để có thể đưa ra những hướng giải quyết bài toán một cách tối ưu nhất.
Sự tích lũy ấy cũng giúp em có một sự tự tin nhất định khi sẵn sàng đi tìm kiếm và lựa chọn những thử thách phù hợp. Đó là khi biết đến cơ hội và bài toán của Base qua anh Linh – người đã dẫn dắt và định hình tư duy đúng đắn cho em khi mới bắt đầu đi làm. Team em có sứ mệnh: Biến những thứ trước giờ chưa có tại Base thành những sản phẩm hiện diện ở một phiên bản “pro” và phải “align” với các sản phẩm trong hệ sinh thái của Base trước đó. Đó là bài toán rất phức tạp, bởi team phải làm những thứ mới nhưng cần phù hợp với những thứ hiện tại và chứng minh rằng: Sản phẩm đó “work”.
Một thử thách khá “oh wow” với em! Bài toán có độ phức tạp cao về mặt technical nhưng đã dần dần được xác định bằng việc từng bước phát triển 02 sản phẩm mà em được làm chính: (1) Base ID lần đầu tiên có ở hệ thống Base và 1 phần của Base Drive phiên bản “pro”. Hai sản phẩm được coi là “xương sống” và tiên quyết phải làm để thực hiện sứ mệnh: Data Centralized trên toàn bộ hệ thống Base. Sản phẩm đang trong thời gian hoàn thiện những bước cuối cùng. Hy vọng sẽ sớm ra mắt và nhận lại được những phản hồi tích cực từ users…” – Ánh mắt đầy hi vọng của Hải khiến tôi cũng chờ mong theo.
Để đưa sản phẩm đến được giai đoạn này, chắc hẳn là một quá trình dài với nhiều gian nan bởi chị biết khi đến Base, Hải chưa có kinh nghiệm làm Product nhỉ (đặc biệt là sản phẩm đã có lượng người dùng lớn như Base và nền tảng của sản phẩm đến năm cũng đã 8 năm rồi)?
“Cũng đúng chị ạ. Nhìn thì toàn gian truân thôi, nhưng lạc quan mà nói thì vẫn có cách *cười. Mỗi tội cách sẽ đến khi em phải thử và sai khá nhiều. Dù vậy, thử phải đủ nhanh để kiểm chứng những giả thuyết ban đầu của mình. Mỗi lần thử đều là một lần xác định được đầy đủ yếu tố cho câu trả lời: Sản phẩm cần những gì và nên được thiết kế như thế nào. Chưa tính đến technical, mà riêng phần xác định logic đã mất kha khá thời gian rồi. Giai đoạn nhanh qua đi thì sẽ đến giai đoạn của sự tỉ mỉ – đặt tâm vào từng dòng code và xử lý thuật toán bằng tư duy tối ưu, có thể scale up trong tương lai dài hạn. Chuyển mình qua từng giai đoạn cũng có chút “hẫng” nhẹ chị ạ. Đang từ nhanh để khẩn trương có hướng giải quyết thành chậm lại – suy nghĩ kĩ các nước để hướng giải quyết không chỉ cho hiện tại mà phù hợp với cả tương lai. Mỗi bước đi đều căng đét! Nhưng mỗi lần nhìn sang, em đều thấy anh Linh vẫn ngồi cạnh, cần mẫn code và những chia sẻ từ anh: “Sản phẩm khi đưa đến tay users (lần roll out đầu tiên) không chỉ chạy tốt những happy case mà còn phải chạy được cả những use case khác có liên quan nữa”. Dù không an ủi và động viên bằng lời nói nhưng chính sự tâm huyết đó đã khiến em có thêm động lực: Thế thôi lại cố gắng một chút…”
(3) “Thử thách như yếu tố quan trọng trong sự trưởng thành và phát triển của mỗi người. Bởi hành trình trải nghiệm thực tế gần 04 năm giúp em thấy được điểm mạnh của cá nhân: Tinh thần không ngại khó, đặt cho mình những tiêu chuẩn cao và sẵn sàng đón nhận những thử thách. Song song với đó là những điểm cần hoàn thiện: Liên tục phát triển những kỹ năng mới như nhận diện vấn đề đúng, giải quyết đúng vấn đề, quản trị rủi ro, cách tiếp cận để phát triển sản phẩm và xây dựng hệ thống. Qua mỗi thử thách, em thấy mình trở nên vững vàng hơn và làm chủ chính mình. Đó là một trong những bước đệm cho tương lai của một Kỹ sư phần mềm với tinh thần: Bứt phá giới hạn của chính mình bằng khả năng tiềm ẩn được bộc lộ trong những thời điểm vượt khó. Nhiều khi “thời thế sinh anh hùng” chị ạ, *cười.”
|Trải nghiệm tạo nên một tuổi trẻ “đáng giá”
Doing The Right Things right
Tuổi trẻ với ưu điểm lớn nhất là “trẻ người non dạ”, bởi vậy cái gì không biết thì mình học. Vậy nên thay vì chờ được “trải” em chủ động được lựa chọn “trải” – trải nghiệm. Chắc hẳn sẽ không có trải nghiệm sai lầm mà chỉ có bài học. Mỗi lần gặp khó khăn hay thất bại chính là cơ hội để học hỏi và trưởng thành, thay vì sợ hãi, em chủ động đối diện và học từ những thất bại. Điều đó giúp em phát triển khả năng giải quyết vấn đề một cách toàn diện trong những điều kiện cho phép. Những trải nghiệm này tạo ra một tuổi trẻ có đủ sự mạnh mẽ và có giá trị hơn rất nhiều. Em gọi đó là “đáng giá”. Trên hành trình hoàn thiện bản thân có một điều mà em luôn tâm đắc và tác động khá lớn đến tư duy của em hiện tại: Doing The Right Things right, không chỉ làm đúng việc mà cần phải làm việc một cách hiệu quả.