Loading...

Tốt nghiệp, tốt nghề, và “tốt người”

Share This Post

Share on facebook
Share on linkedin
Share on twitter
Share on email
Reading Time: 12 minutes

Trên dọc cung đường Vành đai 3, đầu tôi ong ong vì say xe, nhưng lý trí bên trong vẫn rất quyết liệt: “Tỉnh táo lên”, vì nó biết, những cơ hội được nghe sếp Hùng kể chuyện mà không phải “xin xỏ” hẹn lịch từ trước, là không nhiều.

***

Cuối tháng 10, trời vừa mưa vừa lạnh. Chúng tôi chen vào dòng người đông đúc dưới cái thời tiết ấy vào đúng giờ tan tầm của Hà Nội. Giữa tiếng còi xe inh ỏi quen thuộc và dường như ai cũng đang rất vội, sếp tôi bình thản: “Đường nào cũng tắc”, trong khi tôi đang hoa mắt tìm trên điện thoại các file tài liệu về talkshow sẽ được bắt đầu trong ít giờ nữa.

Chúng tôi đến nơi sau khi bon chen trên đường 40 phút – một khoảng thời gian đủ dài để đi hết một vòng kịch bản chương trình Chào tân sinh viên với chủ đề “Tốt nghiệp – Tốt nghề” kéo dài 1 tiếng rưỡi. Dưới làn mưa và ánh đèn đường, Cao đẳng FPT Polytechnic mờ trước mắt tôi – ngôi trường hơn 11 năm tuổi với kiểu kiến trúc hiện đại và khuôn viên cực rộng tọa ở Nam Từ Liêm cách trung tâm Thủ đô 10 km về phía Tây.

Mỗi năm, FPoly đón khoảng 20 nghìn sinh viên, riêng năm nay là 23 nghìn cho cả 5 cơ sở trên toàn quốc trải dài từ Bắc vào Nam”, hiệu trưởng Vũ Chí Thành mở cửa phòng Giám đốc đón chúng tôi.

Là những người từng có khoảng thời gian nhiều năm trưởng thành ở Stanford, sếp tôi và thầy Thành dễ dàng tìm thấy điểm chung. Tôi không hiểu hết được những gì mà hai con người trước mặt – đều là những người rất có ảnh hưởng trong lĩnh vực của họ – đang kể cho nhau nghe. Im lặng ngồi cạnh sếp, tôi chăm chú quan sát, tự nhủ đây chính là lý do mà sếp đưa tôi đi cùng.

Nhưng có lẽ sếp không mong tôi quan sát quá nhiều đến thế: Khi hai người đàn ông một đầu và một cuối 8X ngồi cạnh nhau, đó là lúc tôi thấy rõ nhất rằng sếp mình đã già hơn so với tuổi.

Khi tôi còn đang băn khoăn nghĩ ngợi không biết nên “báo tin mật” này về công ty thế nào để anh em có thể hoạch định chiến lược “chăm sóc” sếp tốt hơn, thì thầy Thành đã cho tôi câu trả lời.

Nước Kangen nhé”, thầy đẩy hai chén nước về phía chúng tôi, rồi bắt đầu giải thích về nước Kangen, về máy lọc nước Mỹ, về I-on kiềm… và về tất cả những lợi ích của nó đối với sức khỏe. Rồi thầy mở hộp trà, lật hai cái chén khác trên bàn. Chúng tôi làm một thí nghiệm. Đúng như thầy Thành nói, với nước Kangen, người ta có thể pha trà mà không cần nước nóng.

Hay quá !” – tôi nhấp môi chén nước trước mặt, không thấy có vị gì khác biệt, nhưng vẫn tò mò: “Máy lọc nước này được bán ở Việt Nam chưa ạ?”.

Có rồi nhé” – thầy Hiệu trưởng đáp, “được bán với giá 130-140 triệu gì đó thôi”.

Tôi nhìn sếp, trong đầu nghĩ: “Vậy mà em còn muốn tạo một đề xuất trên Base Request để anh em mua máy này về lọc nước cho sếp uống, xem có níu kéo được vẻ trẻ trung đáng có của một người đàn ông 34 tuổi hay không….

Cũng đúng lúc ấy, sếp nhìn tôi, tỏ vẻ hiểu lời tôi chưa nói: “Không phải ao ước, vì sức khỏe của toàn bộ anh em, sẽ mua cho cả văn phòng nhé”.

Sếp hiểu sai ý tôi mất rồi…

Sếp tôi vẫn thế. Câu nói “Làm sao để lo được cho anh em cũng là điều mà một người khi khởi nghiệp phải nghĩ đến, chứ không phải chỉ là sản phẩm, nhà đầu tư hay vốn thôi đâu” tôi đã được nghe trên dưới chục lần chỉ trong vòng hơn 4 tháng kể từ khi “trôi dạt” vào Base, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chán. Ở Base, đôi khi tôi vẫn có cảm giác mình được ghi nhận và trân trọng nhiều hơn so với những gì đã đóng góp.

***

Để đến nơi diễn ra talkshow trực tuyến, chúng tôi phải đi qua một hành lang rất rộng. Cách bài trí bên trong ngôi trường với tuổi đời hơn 1 thập kỷ toát lên vẻ hiện đại, trẻ trung và có gì đó “rất công nghệ” đúng nghĩa là một ngôi trường dành cho sinh viên thuộc Tập đoàn FPT. Trường quay rộng khoảng 120m2 của FPoly đã sẵn sàng với 2 màn hình tivi 50 inch đặt ở hai góc, 2 máy quay đắt tiền, 3 đèn studio rực rỡ với mấy bộ loa và 2 dãy bàn với 5-6 cái laptop đang mở.

Trong phòng có khoảng chục người, ai cũng rất trẻ và có vẻ năng động lắm. Một bạn MC trẻ tuổi đang rất hào hứng công bố tên của những người chiến thắng trong trò chơi vừa rồi. Tiếng nói át hẳn tiếng nhạc. Chúng tôi bước vào khi một minigame vừa kết thúc.

MC bắt đầu đổi sang giọng trầm, giới thiệu dàn khách mời.

Bên cạnh thầy Thành – một Hiệu trưởng đầu 8X cá tính, chiều sinh viên, vẫn thường được nhiều thế hệ của FPoly gọi là “Người thầy showbiz”, và Khánh Vy – MC & Vlogger xinh đẹp và tài năng của Gen Z, sếp tôi có vẻ giản dị hơn. Mà thật ra khi đứng ở đâu và bên cạnh ai, tôi cũng vẫn thấy sếp tôi chân phương như vậy, mà theo ngôn ngữ trong ngành, người ta gọi đó là “thuần engineer”…

Sau khi tốt nghiệp, anh từ chối rất nhiều lời mời ở lại làm việc tại Silicon Valley để quyết định về Việt Nam khởi nghiệp. Lý do là gì?” – câu hỏi đầu tiên dành cho sếp, cũng là câu hỏi “thần thánh” mà anh Hùng đã được nghe không biết bao nhiêu lần. Nhưng với sếp tôi, nó chưa bao giờ là dễ để trả lời, bởi “làm sao để khi nói ra lý do trở về mà người nghe có thể hiểu và thấm được nó là điều cực kỳ khó”.

Ký ức của nhà sáng lập Base.vn trôi về một ngày hè của gần 10 năm về trước. Kết thúc hành trình 5 năm ở Stanford với hai tấm bằng Khoa học máy tính và Toán học, xứ cờ hoa có rất nhiều lựa chọn cho anh để thực hiện “giấc mơ Mỹ” trên chính mảnh đất ấy. Nhưng “khi biết bản thân mình thực sự hướng về điều gì và muốn đóng góp nhất cho nơi nào, quyết định trở về của anh vào mùa hè năm ấy là rất dễ dàng”.

Là ngôi trường đáng mơ ước của bất kỳ sinh viên nào, Stanford thực sự đã mở ra rất nhiều cơ hội cho người thanh niên 25 tuổi. Thế nhưng nó còn mang đến nhiều điều khác tuyệt vời hơn nữa, “đó là nguồn cảm hứngđộng lực.

“Khi chúng ta còn trẻ và còn thời gian, thì nên cố gắng hết sức để tạo ra một thứ gì đó, và để tìm ra phiên bản tốt nhất của chính mình”

Trên thực tế, với lối suy nghĩ vốn có của người Á Đông, anh Hùng cũng từng nghĩ sẽ ở lại 1-2 năm sau khi tốt nghiệp để “trả nghĩa” cho Stanford, vì “món quà mà ngôi trường Đại học hàng đầu nước Mỹ đã trao cho anh là quá lớn, cao quý, và cũng chính là một đặc ân”.

Ở thời điểm hơn 10 năm trước – thời của anh Hùng, nếu như nói việc học ở trường công cũng là một điều gì đó để những bạn trẻ có quyền cảm thấy mình giỏi giang hơn những bạn cùng trang lứa phải vào trường dân lập, thì học bổng toàn phần của Stanford mà mỗi năm chỉ 1-2 sinh viên Việt Nam được nhận chính là một điều cực kỳ to lớn và rất đáng để tự hào.

Thế nhưng, “thầy cố vấn của anh từng nói, đó chỉ là niềm tự hào đối với bản thân em mà thôi ”, sếp tôi nhớ lại. Đó là lúc mà quyết định sẽ trở về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp cùng với khao khát tạo ra giá trị trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, bởi “việc tạo ra những thứ có ý nghĩa sau khi rời Stanford mới là điều thực sự quan trọng”.

Mặc dù vậy, trái ngược với quyết định trở về luôn rất rõ ràng, gần 10 năm trước, sếp tôi hoàn toàn không có khái niệm gì cụ thể về những thứ mà mình sẽ làm, “anh chỉ biết là mình muốn làm một điều gì đó. Nhưng thực tế có quá nhiều thứ không giống như những gì anh từng nghĩ, anh đã phải suy nghĩ và đắn đo, thậm chí là hoài nghi rất nhiều khi quyết định khởi nghiệp”.

Bạn không thể viết được một kế hoạch kinh doanh cho cuộc đời mình, nhưng bạn có thể xây dựng một kế hoạch phát triển bản thân – cách làm thế nào để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua

Tôi dần dần hiểu được lý do anh Hùng nhận lời tham gia chương trình hôm nay. Ngồi lấp sau ánh đèn sáng chói, nhìn về phía sân khấu, tôi nhận ra là sếp mình đang rất “enjoy cái moment” này như cách nói “hot trend” dạo gần đây. Khi quá bộn bề giữa khoảng 60 sản phẩm và hơn 5000 khách hàng với rất nhiều kế hoạch, cuộc họp, chiến lược… sếp tôi cũng cần một luồng gió mới.

Và giao lưu với Gen Z, nhớ lại năm tháng ở Stanford với những bài học và triết lý đã thấm vào tiềm thức như một phần da thịt chính là một cách giúp sếp tôi -trong một vài khoảnh khắc- có thể vượt ra khỏi những trăn trở và lo toan thường ngày.

Anh muốn nói chuyện với các bạn xem có thể giúp được gì hay không. Ở cái tuổi này và khi bắt đầu thay đổi môi trường sống, chúng nó rất dễ cảm thấy hoang mang”, sếp tôi giải thích, thầm mong có thể trấn an phần nào những bạn trẻ 2k3 đang đứng trước ngưỡng cửa của những giảng đường trong một thời đại rất khác.

Quả thực là vậy. Rất nhiều câu hỏi có vẻ mơ hồ và mâu thuẫn được gửi về trên fanpage của FPoly – nơi đang livestream trực tiếp sự kiện – trong đó có một tâm sự: “Em có máu khởi nghiệp. Vậy em có nên bắt đầu từ khi con ngồi trên ghế nhà trường hay không?”.

Như dự đoán của tôi, sếp không đưa ra lời khuyên. Anh chỉ kể chuyện thôi.

Truyền thông nói nhiều về việc người trẻ làm startup. Báo chí cũng viết rất nhiều về những tấm gương khởi nghiệp thành công. Chúng ta thường có xu hướng bị ám ảnh bởi kết quả. Thế nhưng đó chưa bao giờ là toàn bộ câu chuyện về một người hay một tổ chức.

“Chúng ta nói nhiều về việc làm sao để tăng trưởng và gọi được nhiều vốn. Nhưng không ai nói cho bạn biết làm sao để yêu một sản phẩm, cũng không ai dạy bạn cách để có thể toàn tâm toàn ý với một bài toán được xuất phát từ trái tim bạn, thay vì tập trung vào bài toán của các nhà đầu tư”

Tôi nhớ lại ít phút trước, khi đang đợi đèn đỏ, tôi đã hỏi sếp: “5 năm trước anh có từng nghĩ rằng sẽ có một ngày phải chịu trách nhiệm với nhiều thứ như hôm nay không? Với gần 300 con người ở Base chẳng hạn?”.

Anh lắc đầu.

Tôi nghĩ, trong mọi chuyện, trước khi bắt tay vào thực hiện, chúng ta đều không thể biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, và trên bất kỳ con đường nào, chỉ cần muốn đi thật xa, thì ắt đều có vô vàn khó khăn. Nhưng khi khao khát và sự kiên định đủ lớn, chúng ta vẫn sẽ tiến về phía trước – cách duy nhất để biết được rằng con đường ấy có xứng đáng hay không. Và dù thế nào, cũng chỉ người đi đến tận cùng mới có tư cách để định nghĩa.

Hành trình hơn nửa thập kỷ của Base cũng vậy: Đằng sau “ánh hào quang” của Nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay được Bộ Thông tin và Truyền thông vinh danh hồi cuối năm ngoái, là câu chuyện khó tin nhưng đầy cảm hứng của một startup công nghệ 5 năm tuổi, là những nốt trầm chưa từng xuất hiện trên mặt báo. Quan sát sếp thật kỹ, tôi nhận ra rằng những khoảnh khắc mà anh có thể trút bớt gánh nặng là không nhiều. Ngay cả lúc này cũng vậy. Trên vai người đàn ông 34 tuổi là quá nhiều thứ mà gần 300 con người chúng tôi dù rất muốn, cũng khó lòng san sẻ.

Trong suốt mấy tháng cuối gần đây, anh Hùng không ít lần “trải lòng” giúp tôi có thêm chất liệu viết bài. Song đây là lần đầu tiên, tôi không cần đến tư cách của một người đang “khai thác nhân vật” để được nghe anh kể chuyện. Hôm nay, ngồi phía dưới sân khấu nhìn anh hòa mình vào không khí tại trường quay với Gen Z nhưng vẫn không thể ngừng những trăn trở về Base, về sản phẩm, về khách hàng… tôi hiểu rằng, tất cả những gì mình viết ra sẽ chẳng bao giờ phản ánh hết được những lo toan và ước vọng thực sự của anh.

“Làm startup đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải dành cả một đời cho nó. Và nếu bạn có thể làm được điều đó, thì bạn không còn là sinh viên nữa. Thế nên, khi còn có thể, hãy tận hưởng những điều tốt đẹp mà trường học mang lại, thay vì nghĩ đến chuyện khởi nghiệp”

Khi còn là sinh viên ở Stanford cũng chính là khoảng thời gian mà sếp tôi “giàu có” nhất.

Đối với bất kỳ du học sinh nào, được xách vali ra sân bay sau mỗi kỳ thi để về nước nghỉ hè có lẽ đều là một ao ước. “Thế nên anh quyết định đi làm thêm để mua cặp vé khứ hồi”, anh Hùng kể về kỷ niệm lần đầu tiên kiếm được tiền trên nước Mỹ.

“Việc nhẹ lương cao” mà anh làm khi ấy là chấm bài thi cho các bạn sinh viên khóa dưới. Tôi mơ hồ tưởng tượng về hình ảnh một người Việt trẻ trên đất Mỹ đang thức thâu đêm trên những trang giấy thi dưới ánh đèn ở cách chỗ tôi ngồi đúng nửa vòng Trái đất vào hơn 1 thập niên về trước, tự hỏi sức mạnh ấy của anh từ đâu mà có…

Rồi mùa hè tới. Gấp lại sách vở, mở chiếc vali. Nhưng anh Hùng chưa từng phải mua cặp vé khứ hồi nào cho chuyến bay 14 nghìn km trong suốt 5 năm ấy của mình.

Vào mỗi kỳ nghỉ hè, trường đều mua vé máy bay để anh về nước”, chính sếp tôi cũng bất ngờ vì “sự tử tế” của Stanford. Cứ thế, ngôi trường Đại học danh tiếng bậc nhất Thế giới ở bên kia địa cầu trong mắt tôi được tạo thành từ những câu chuyện nhỏ nhặt của anh Hùng. Ở nơi ấy, 5 năm học tập và trưởng thành bên cạnh những con người xuất chúng khác, hay cũng chính là những đêm dài thức bên trang giấy thi để góp một phần sức mình vào công cuộc tạo ra giá trị trong ngành Giáo dục mà anh đã bắt đầu nó với mục đích “có thể mua vé máy bay về nước”, tất cả đều trở thành một phần đời ý nghĩa trong ký ức của nhà sáng lập Base.

Tôi hỏi anh chấm bài thi được trả công nhiều không, anh chỉ cười không nói, nhưng nhìn vào mắt anh, tôi hiểu tại sao anh lại gọi đó là thời kỳ “giàu có” nhất. Vì ngày ấy, anh chỉ học thôi, mà còn học cả hai ngành, vậy nên chắc cũng không có thời gian dùng đến tiền nữa. Nhưng đó còn là sự “giàu có” về thời gian, bởi ngày ấy chưa có Base, chưa có sản phẩm và khách hàng. Ngày ấy, anh không phải ngồi lại bàn làm việc ở góc khu vực team Product như tôi vẫn thường thấy vào mỗi lúc 10 giờ tối hàng ngày như bây giờ.

“Môi trường học tập ở bất kỳ đâu cũng luôn có rất nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên, đó là nơi các bạn có thể tập trung tối đa để tìm ra mục tiêu và đam mê lớn nhất của cuộc đời mình”

Trên đường về, tôi muốn hỏi sếp: “Làm sao để biết được đâu mới là thế mạnh và đam mê lớn nhất của cuộc đời mình mà không cần phải trải qua quá nhiều lần thử sai“, nhưng lại thôi, không phải vì quên, mà vì tôi đã “rơi” vào những câu chuyện khác. Chúng tôi nói về Base. “Bọn em còn trẻ lắm, con đường phía trước còn rất dài, và anh muốn tạo ra môi trường và những điều kiện tốt nhất giúp các em có thể phát triển hết khả năng” – tôi không biết giọng anh trầm xuống vì đó là điều mà anh luôn trăn trở, hay vì bên ngoài trời đang mưa mỗi lúc một nặng hạt nên tôi nghe giọng anh như nhỏ dần đi.

– Có đúng là trước khi khởi nghiệp, anh đã biết rằng mình sẽ phải cố gắng và chăm chỉ trong mười mấy năm liên tục và không được nghỉ ngơi không ạ?

Anh biết chứ. Ngay từ đầu anh đã biết rằng khi quyết định làm startup, tức là sẽ chẳng bao giờ dừng lại được.

Ngưng một vài giây, “nhưng ít nhất thì chúng ta vẫn có cơ hội để làm, anh nói với tôi, nhưng sao tôi nghe như anh đang nói với chính mình.

Sếp bảo tôi, làm gì cũng được, nhưng hãy ưu tiên làm những điều có thể giúp ích cho ít nhất một người khác. Bởi trong cuộc sống, chúng ta không chỉ cần tốt nghiệp tốt nghề, mà trước hết, cần phải là một người tốt.

Đăng ký nhận thông tin

Tin tức, sản phẩm, công nghệ của Base

More To Explore