Loading...

Người đàn ông “hoàn hảo” đằng sau nền tảng hạ tầng của Base.vn là ai?
Kỳ 2: Nhà tuyển dụng “dễ dãi”

Share This Post

Share on facebook
Share on linkedin
Share on twitter
Share on email
Reading Time: 11 minutes

Tròn 3 tuần kể từ ngày tôi viết Kỳ 1 về “người đàn ông hoàn hảo”. Cho tới bây giờ, tôi vẫn thấy mình may mắn khi có cơ hội được tìm hiểu và lắng nghe câu chuyện của người đàn ông từng nhiều đêm không ngủ khi nghĩ về “số phận” của nền tảng hạ tầng của Base.vn.

Sau hôm ấy, tôi từng gửi cho Hardy một tin nhắn vào lúc 2 giờ sáng, vì quá tò mò muốn biết rằng có phải anh thực sự sẽ “phản hồi lại ngay” như đã nói. Suốt một đêm, anh không trả lời. Cứ thế, đến tận bây giờ tôi vẫn tự hỏi rằng lúc đó anh đang “ôm” một cuốn sách về nhân sinh ảo mộng hay kiếm hiệp, hay lại đang mải mê với một trận Ngoại hạng Anh nào đó. Nhưng đêm ấy, Arsenal không đá. Dù sao đi nữa thì trong khoảnh khắc gửi tin nhắn đi, tôi vẫn hy vọng rằng anh sẽ không reply lại ngay, bởi điều đó có nghĩa là server vẫn ổn và làm infrastructure ở Base đối với anh đúng là “nhàn” thật.

Và mặc dù đã hoàn thành Kỳ 1 về Idol của rất nhiều Basers, tôi vẫn luôn trăn trở vì chưa thể diễn tả hết được sự “vô địch” của anh trong bài viết gần 4 nghìn chữ ấy. Thế rồi sau khi có cơ hội tham gia buổi chia sẻ của anh về những kiến thức liên quan đến bảo mật, cùng nhiều lần khác được lắng nghe thêm những câu chuyện hay ho từ anh, do tôi may mắn được team Product mời tham dự Meeting hàng tuần của họ vào mỗi sáng thứ 7, và nhất là sau khi đọc được 20 sự thật về anh mà không phải ai cũng biết, tôi chính thức rút ra kết luận: Câu từ của tôi bất lực trong việc thể hiện “sự hoàn hảo” của Hardy.

—-

Nếu như lúng túng là kịch bản mà tôi thường xuyên phải lựa chọn mỗi lần gặp Hardy trước đây, vì tôi đã mặc định trong tiềm thức rằng anh là một người khác: “bí ẩn” và “nguy hiểm”, thì sau buổi trò chuyện kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ trong phòng Night Owl, tôi không cần dùng tới kịch bản ấy nữa. Hardy thực sự là một người rất thú vị, cũng chính là một CIO rất đặc biệt.

Nhưng anh không chỉ đặc biệt đối với tất cả những người xung quanh là chúng tôi, mà đối với những ứng viên từng gửi CV vào Base và được anh phỏng vấn, có lẽ cũng vậy.

Là CIO của Base, nhưng hiện tại anh không tham gia vào quá trình phỏng vấn các bạn ứng viên ứng tuyển vào team Dev nữa. Tại sao vậy?

Trước đây tần suất phỏng vấn các bạn ứng viên của mình nhiều hơn hiện tại. Đó là thời điểm mà mình giữ vai trò là người phỏng vấn chính ở vòng 1, các bạn team leader cũng có tham gia nhưng mọi người thường chỉ ngồi nghe và quan sát thôi, để hiểu cách mình đặt câu hỏi cho các bạn ứng viên như thế nào.

Việc phỏng vấn ứng viên không phải là một vấn đề khó, vì mình hoàn toàn có thể viết sẵn danh sách câu hỏi và chuyển cho các bạn team leader, anh em sẽ dựa theo đó, hỏi và cho điểm ứng viên. Hoặc trên app Base Test, các bạn HR cũng có thể gửi đề bài cho ứng viên trước, từ kết quả được trả về, mình có thể đánh giá được phần nào năng lực và trình độ của các bạn đang ứng tuyển vào team Dev.

Nhưng đó là trước đây thôi, hiện tại mình đã giao lại nhiệm vụ này cho các bạn team leader tự chủ động triển khai rồi.

Nếu chúng ta có thể gặp đúng người và hòa hợp về mặt tư tưởng thì kết quả thực hiện một công việc chung sẽ tốt hơn rất nhiều. Ở Base, các bạn team leader đều là những người xuất sắc và hoàn toàn có khả năng tự build một team của riêng mình, thế nên chính các bạn ấy mới là những người cần trực tiếp phỏng vấn để có thể lựa chọn được teammates phù hợp nhất.

Nhưng em lại nghe mọi người nói rằng CIO “không được” phỏng vấn nữa vì anh hơi “dễ dãi” với ứng viên?

“Mọi người” ấy là những ai thế? (cười).

Giống như tất cả những nơi khác, Base cũng có những tiêu chí tuyển dụng riêng và một số yêu cầu nhất định đối với các ứng viên.

Thông thường, mọi người có xu hướng đánh giá ứng viên dựa vào một số “câu hỏi key”. Nếu các bạn trả lời tốt những câu này, các bạn sẽ được nhận, và ngược lại. Nhưng mình không làm như vậy. Việc mình tiếp tục ngồi lại thật lâu và đưa ra nhiều câu hỏi khác, thậm chí là “khơi gợi”, “mồi mồi” và dẫn dắt các bạn ứng viên đến với câu trả lời… tất cả đều xuất phát từ mục đích của mình.

Thứ nhất, mình muốn giúp ứng viên hiểu được rằng bạn ấy đang thiếu điều gì và cần phải hoàn thiện điều gì.

Đối với một số bạn trẻ mà chỉ sau 1-2 câu hỏi là mình có thể nhận thấy rằng tư duy logic của bạn ấy kém và cũng chưa từng làm một sản phẩm thực tế nào, thì mình muốn tìm hiểu thêm về định hướng phát triển sắp tới của bạn ứng viên này, những mong muốn trên con đường sự nghiệp phía trước, hay chỉ đơn giản là hứng thú và quyết tâm của bạn ấy đối với những kiến thức và kỹ năng còn thiếu.

Còn đối với ứng viên có nhiều kinh nghiệm hơn, mình thường hỏi thêm về các dự án mà bạn ấy từng làm để hiểu được cách mà bạn ấy tư duy và xử lý vấn đề trong từng trường hợp là như thế nào.

Mình muốn tạo điều kiện tốt nhất để các bạn có thể tự tin hơn khi ứng tuyển lần 2 vào Base.

Thứ hai, mình muốn giúp ứng viên hiểu được rằng Base đang tìm kiếm điều gì.

Việc mình tạo ra nhiều câu hỏi sẽ giúp các bạn hình dung được rõ hơn về những yêu cầu và tiêu chí tuyển dụng của Base, những tố chất cần thiết để trở thành lập trình viên ở Base và phần nào về công việc thực sự mà các bạn ấy sẽ được làm và phải làm nếu vào công ty.

Tuy nhiên, nếu xét trên mặt bằng chung thì trình độ của các bạn lập trình viên ở Việt Nam là không quá cao, nếu không muốn nói là thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Một vài nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể kể đến như: tài liệu học tập không được cập nhật kịp thời, môi trường làm việc chuyên nghiệp và môi trường cọ xát chưa có nhiều. Và mình hoàn toàn hiểu điều đó, nên đôi khi đúng là mình có “thông cảm” với ứng viên thật. Mình luôn tìm cách để nhìn thấy một vài điểm tích cực từ các bạn, cố gắng gợi ý, giải thích một cách gián tiếp và đưa ra định hướng giúp các bạn có thể nâng cao kỹ năng của mình, dù bạn ấy có hay không là thành viên tương lai của Base.

Nên cũng có thể nói là mình hơi “dễ dãi” thật.

Được biết là có nhiều CV gửi về Base và cũng nhiều ứng viên đến phỏng vấn, nhưng tỷ lệ pass không cao. Theo anh, nguyên nhân do đâu?

Có rất nhiều lý do. Nhưng theo mình, phần lớn các bạn “fail” do kỹ năng không đủ hoặc mindset không phù hợp.

Không phải bạn lập trình viên nào cũng phù hợp với tư duy làm sản phẩm ở Base. Mình khó có thể giải thích điều này một cách rõ ràng chỉ trong 3-4 câu. Chỉ có thể khẳng định rằng, ở Base, tư duy làm product là điều cực kỳ quan trọng. Bọn mình đánh giá cao những bạn có mong muốn phát triển bản thân theo hướng trở thành một engineer đúng nghĩa, thay vì “chỉ làm cho xong”.

Ngoài tư duy làm sản phẩm, ứng viên cần kiến thức nào nữa?

Tư duy giải thuật cũng là một yếu tố bắt buộc. Theo mình, tại phần lớn các trường Đại học ở Việt Nam, kỹ năng này vẫn chưa được đào tạo một cách thực sự bài bản và đủ sâu, thay vào đó, nó mang tính “học để qua môn” nhiều hơn. Nhiều bạn lập trình viên chưa hình dung được tầm quan trọng của kiến thức này, cho đến khi gặp phải những bài toán cần đến nó.

Tiếp nữa là những kiến thức liên quan đến việc tối ưu mã nguồn. Với kinh nghiệm rất nhiều năm phỏng vấn ứng viên, mình nhận thấy là nhiều bạn viết code khá ẩu và chưa thực sự chú trọng đến việc giải quyết các bài toán theo cách tối ưu nhất.

Còn những kiến thức về bảo mật thì sao?

Đây cũng là phần kiến thức mà rất nhiều bạn không nắm chắc. Nhưng nguyên nhân không hoàn toàn là chủ quan, bởi cũng tồn tại những yếu tố khách quan nữa. Ở nhiều trường, kiến thức về bảo mật vẫn chưa được dạy một cách bài bản, mà tự học thì hơi khó, trừ trường hợp những bạn được định hướng rõ ràng trong một chuyên ngành nào đó về bảo mật như An toàn thông tin, hoặc các ngành học có nhiều học phần về An ninh thông tin như Kỹ thuật Máy tính.

Nếu như những kiến thức được học ở trường là không đủ, vậy anh có khuyên các bạn ứng viên nên chủ động tìm hiểu những tài liệu nào trước khi ứng tuyển vào Base không?

Tài liệu cụ thể thì có rất nhiều và có thể tìm thấy từ nhiều nguồn khác nhau. Điều quan trọng là các bạn phải biết rằng kiến thức nào còn thiếu cần phải bổ sung ngay và kiến thức nào cần phải trau dồi.

Các bạn nên đọc và ôn lại kỹ những kiến thức cơ bản nhất về lập trình, về hướng đối tượng và về giải thuật, cùng với đó là những chuẩn cơ bản về bảo mật. Mặc dù hiện tại, mình không yêu cầu từ ứng viên những kiến thức quá sâu về bảo mật, tuy nhiên các bạn cần biết và hiểu rõ nguyên nhân “Tại sao nó lại như thế?” mỗi khi có một lỗi bảo mật xảy ra.

Dù sao thì nếu như nắm chắc kiến thức về giải thuật, lập trình hướng đối tượng và các ngôn ngữ lập trình cơ bản, thì khả năng các bạn được nhận vào Base là 90% rồi, 10% còn lại phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến con người, văn hóa, định hướng phát triển nghề nghiệp của các bạn ứng viên…

Đó là từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, vậy đứng từ góc nhìn của một người đồng nghiệp, anh thường mong muốn điều gì ở các bạn ứng viên?

Mình chỉ mong là ai cũng được nhận (cười).

Cũng có thể vì vậy mà mình bị nói là “dễ dãi” đấy.

Nhưng mình thực sự luôn hy vọng rằng các bạn có thể pass, cả vòng của mình cũng như vòng 2 của Sếp. Vì nếu bản thân mình đã nhận bạn nào, tức là mình có mong muốn được trở thành đồng nghiệp của người đó, được làm việc chung và học hỏi từ bạn ấy.

Về việc phân loại để xếp level cho các bạn lập trình viên mới vào Base thì sao?

Việc phân loại này được xem xét và đánh giá từ vòng phỏng vấn. Hiện tại mình và Sếp đang xây dựng một bộ câu hỏi dành cho các bạn ứng tuyển vào team Product, nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc Đưa ra những câu hỏi như thế nào để phân loại được ứng viên một cách chính xác, đúng đắn và đảm bảo công bằng cho tất cả các bạn? không phải là một bài toán dễ.

Những câu hỏi của mình thường tập trung vào những kiến thức rất cơ bản, trong khi đó, các câu hỏi của Sếp thì sâu hơn, đòi hỏi phải có sự giải thích kỹ hơn về bản chất.

Khi xây dựng một bộ câu hỏi cụ thể như vậy, chắc hẳn các anh cũng có sẵn đáp án. Điều này có đòi hỏi các bạn ứng viên phải có câu trả lời giống như lời giải đã có sẵn ấy không?

Đáp án của câu hỏi không phải là điều mình cần. Tại sao? Vì mình đã có đáp án rồi. Thực ra câu trả lời và việc đúng hay sai không phải là điều quan trọng nhất, điều mình quan tâm hơn cả chính là cách các bạn tư duy và suy nghĩ khi gặp một bài toán như vậy.

Thông thường, sau khi ứng viên làm xong, mình vẫn hỏi thêm để tìm hiểu xem tại sao các bạn ấy lại giải theo cách đó, đồng thời cũng hy vọng rằng các bạn ấy sẽ suy nghĩ sâu hơn xem có cách giải nào tốt hơn hay không. Lúc này, mình đang yêu cầu cao hơn một chút rồi, vì mình muốn biết là các bạn có thực sự hiểu bài toán hay không.

Mình muốn biết tất cả những gì mà ứng viên sẽ làm khi gặp một vấn đề: Bạn ấy tư duy thế nào, sẽ làm gì, có thực sự hứng thú với một bài toán như vậy và sẵn sàng suy nghĩ về nó hay không?.

Base yêu cầu khá cao ở ứng viên, vậy offer mà Base đưa ra cho các bạn thì sao?

Ở thời điểm hiện tại, Base sẵn sàng trả một mức lương cạnh tranh và hoàn toàn có khả năng đưa ra những offer và nhiều đãi ngộ khác cho các bạn lập trình viên, trong đó có một cơ chế liên quan đến Share Award mà mình nghĩ là nó tốt hơn bất kỳ công ty nào.

Nhưng hơn hết, một “offer đặc biệt” mà Base luôn có, đó là ở đây bạn có thể phát triển theo đúng hướng engineer.

Tuy nhiên, Base chỉ tìm kiếm các bạn ứng viên có mong muốn đồng hành lâu dài với công ty.

—–

Tôi chưa thực sự hiểu thế nào thì được gọi là “lâu dài” theo cách nói của Hardy, chỉ biết rằng nó không đơn giản là “không nhảy việc”. Thứ gọi là “đồng hành” mà Base luôn tìm kiếm mang tính cảm tính và cũng rất đặc thù, mà tôi khó có thể giải thích được một cách rõ ràng, cũng giống như Hardy khó có thể mô tả thật kỹ để tôi có thể hiểu về thứ gọi là “phẩm chất engineer”.

Khi vẫn chưa thể vẽ ra được trong đầu mình chân dung ứng viên mà Hardy mong muốn, tôi chợt nhớ tới Cao, Phương Trần, Phương Vũ và nhiều người trẻ khác của team Product mà tôi đã có may mắn được lắng nghe câu chuyện của họ – những người từng pass qua vòng phỏng vấn của Hardy, rồi cố gắng tìm ra điểm chung giữa những con người ấy. Quyết liệt, chăm chỉ, trách nhiệm rất khiêm tốn là tất cả những gì mà tôi có thể kết luận.

Anh Kiên -PHP team leader- vẫn dặn tôi rằng, ở Base, có rất nhiều người cảm thấy painful khi chưa thể giải được một bài toán cần phải giải, và cũng có rất nhiều người trăn trở làm sao để tạo ra được những sản phẩm mang lại nhiều giá trị hơn. “Những cá nhân xuất sắc ở Base dường như không có sự phân chia rạch ròi giữa cuộc sống và công việc, vì đối với họ, Base đã trở thành một phần cuộc sống. Họ dốc hết trái tim vì nó, cũng là vì cuộc sống của mình”.

Những ứng viên có mong muốn “đồng hành lâu dài” mà Hardy nhắc tới ấy, phải chăng là những con người giống như “họ”? Rồi bất chợt, cái “lâu dài” trong câu nói của Hardy cũng gợi cho tôi nhớ đến lời Sếp Hùng: “Ở Base đủ lâu, em sẽ hiểu…”.

Nhưng chưa có ai nói cho tôi biết, bao lâu thì được gọi là “đủ lâu”? Và những người trẻ của team Product mà tôi vừa nghĩ đến đã ở Base “đủ lâu” hay chưa?

Có nhiều “sự đồng hành” và “lâu dài” không được tính bằng một khoảng thời gian, mà bằng giá trị được tạo ra. Ở Base, xuất phát điểm hay thâm niên chưa bao giờ là yếu tố quyết định những cơ hội của một Dev. Và câu hỏi làm sao để phân loại ứng viên một cách chính xác để đảm bảo công bằng cho tất cả các bạn không chỉ được đặt ra khi Hardy xây dựng bộ câu hỏi với Sếp Hùng, mà còn là điều mà một người “dễ dãi” như anh vẫn luôn phải suy nghĩ trong suốt hành trình sau này của các bạn lập trình viên ở Base.

Đăng ký nhận thông tin

Tin tức, sản phẩm, công nghệ của Base

More To Explore