Giống như phần lớn Basers trong trí tưởng tượng của tôi, nhất là những thành viên của team Product, Hardy là một người cực kỳ bận rộn và rất khó để gặp gỡ. Cũng chính vì lo lắng rằng anh sẽ nói “Không” mà tôi đã phải đợi đến đúng ngày 20/10 mới dám ngỏ lời xin CIO của Base một cái hẹn với hi vọng mong manh rằng vào ngày này anh sẽ không từ chối mình.
Nhưng rất nhanh sau đó, tôi nhận ra rằng mình đúng là một kẻ lo xa.
“Được em, anh rảnh mà” – là câu trả lời của Hardy khi chốt lịch hẹn với tôi vào chiều mai. Tôi cuống, giờ phải nhanh chóng điều tra thông tin để lên danh sách câu hỏi thật xịn.
***
Trong suốt 1 giờ đồng hồ nghỉ trưa hôm ấy, sau rất nhiều nỗ lực trong việc thu thập thông tin sơ bộ về CIO của Base, từ team Marketing cho tới Sales và kết thúc ở khu vực của Customer Success, tôi chính thức thất bại. Có quá nhiều thứ hay ho về anh mà mọi người không biết phải kể cho tôi nghe từ đâu.
Chưa từ bỏ, tôi đành đổi hướng nghiên cứu, thầm nghĩ nếu hỏi một số thông tin “tiêu cực” về anh thì có lẽ mọi người sẽ dễ dàng trả lời hơn. Tôi mạnh dạn: “Vậy tật xấu nhất của Hardy là gì?”. COO của Base.vn Bảo Trịnh lên tiếng một cách dứt khoát như “dằn mặt” tôi: “Câu hỏi này vô hiệu. Hardy là idol của tui. Đó là người đàn ông hoàn hảo”.
Đó là lần đầu tiên tôi hẹn ai đó và gần như không có chuẩn bị từ trước. Lúc ấy, chỉ biết tự trấn an mình với một niềm tin mong manh được tiếp thêm từ phía các anh em trong công ty: “Nói chuyện với Hardy không cần phải chuẩn bị gì cả. Những câu chuyện hay ho sẽ được anh ấy khơi ra một cách cực kỳ tự nhiên. Hardy thú vị lắm ! ”.
Đúng giờ hẹn 17h35, tôi bước vào phòng Night Owl gần phòng CEO thuộc khu vực của team Product với chút hoang mang: “Không biết có đủ bản lĩnh để tập trung nghe Hardy kể chuyện trong tiếng xúc xắc hấp dẫn mời gọi từ bàn cờ cá ngựa của team Dev không đây…”.
Phòng Night Owl có 6 ghế nhưng chỉ còn 5 ghế trống. Hardy đã ở đó từ lúc nào.
Đơn giản nhưng vẫn rất chỉn chu trong chiếc áo phông màu xanh than quen thuộc mà Baser nào cũng có, anh ngồi trước mặt tôi, hoàn toàn không giống với những gì tôi đã tưởng tượng về người đàn ông “quyền lực” đứng sau toàn bộ nền tảng hạ tầng của Base. Trong một khoảnh khắc, đã có lúc tôi ngờ vực: “Có đúng là Hardy trong truyền thuyết không vậy? ”.
Anh trẻ hơn so với cái tuổi 32 và hoàn toàn không giống với hình ảnh có vẻ “bí ẩn” trong avatar trên Base Account, cũng không giống với một người có vẻ “nguy hiểm” khi trước bất kỳ dòng chữ nào cũng đều phải có ký tự #. Người đang ngồi trước mắt tôi thân thiện và gần gũi hơn nhiều.
CIO của Base.vn Phạm Duy Hiệp, tức “Hardy” như cách mà tất cả chúng tôi vẫn thường gọi anh, là người đã đi cùng anh Hùng -Founder & CEO của công ty- từ rất lâu rồi. Bởi ngay từ khi mới hơn 20 tuổi, Hardy đã xác định rõ: “Con đường phía trước có gì, được gì, mất gì… không quan trọng bằng việc người cộng sự bên cạnh mình là ai”.
Cứ thế, hơn 10 năm đã qua đi, cùng sếp Hùng trải qua mọi thăng trầm, Hardy đã trở thành một người không thể thay thế ở văn phòng Base. “Khả năng tập trung, tinh thần trách nhiệm, trình độ, kỹ năng… mọi thứ đều vô địch” – anh Kiên từng mô tả “người đàn ông hoàn hảo” đang ngồi trước mặt tôi như muốn nói: “Bài viết của em mà không thể hiện được điều này tức là không đạt nhé”.
Mọi người nói anh hoàn hảo. Anh nghĩ sao ạ?
Tất nhiên là điều đó không đúng rồi. Mình cũng có những điểm yếu chứ.
Mình không phải là một người khéo léo trong những mối quan hệ xã hội, cũng không phải là một người dễ thích nghi với môi trường mới và những con người mới.
Còn một “tật xấu” khác dễ nhìn thấy hơn đó là tính mình hơi lan man. Và khi có quá nhiều việc phải làm, mình vẫn cứ lan man như thế nên không thể phân bổ thời gian cho tất cả công việc một cách phù hợp.
Ví dụ nhé. Khi muốn nghe nhạc, một người bình thường sẽ lên thẳng mp3.zing hoặc nhaccuatui.vn để nghe, nhưng mình lại phải tìm hiểu. Cứ thế, 1-2 tiếng trôi qua, mình sẽ ngồi giữa một đống phần mềm và vừa nghiên cứu vừa phân tích xem đâu là ứng dụng nghe nhạc hay nhất, cách nghe nhạc hay nhất là gì, rồi sau đó mình chuyển sang tìm hiểu luôn phương thức làm nhạc hay nhất là như thế nào, thể loại nhạc nào đang được ưa chuộng nhất, nhạc sĩ nào sáng tác hay nhất…
Điều đó đôi khi khiến mình mất rất nhiều thời gian vào những thứ không thực sự là quan trọng.
Về tính lan man, anh đã từng cố gắng sửa nó hay chưa?
Thực tế là chưa. Vì thỉnh thoảng mình lại cảm thấy “tật xấu” ấy cũng khá hay ho, bởi sau mỗi lần như thế, mình lại có thể học thêm được nhiều điều và biết thêm nhiều thông tin về một chủ đề nào đó.
Còn về việc khó thích nghi với môi trường mới và những con người mới, phải chăng vì vậy mà anh đã đi theo anh Hùng hơn 10 năm rồi và chưa từng có ý định rời đi?
Không hẳn đâu. Về điều này thì mình nghĩ nó liên quan nhiều hơn đến sự tin tưởng dành cho nhau và cũng là một cái duyên nữa.
Là đồng hương với Sếp, học cùng trường cấp 2 của huyện, ngay từ thời điểm đó mình đã biết về Sếp rồi. Từ ngày ấy, anh Hùng đã rất nổi tiếng với thành tích học tập “khủng” để những đàn em khóa sau như mình nhìn vào và phấn đấu.
Trên diễn đàn Toán học, 2 anh em cũng thường xuyên trao đổi vì đó là sở thích chung của cả hai. Sau này, trong cuốn sách Sáng tạo Bất đẳng thức của anh Hùng, mình cũng có cơ hội được chỉnh sửa và review một vài chương trong bản tiếng Việt.
Năm 2010, khi mình còn là sinh viên K52 khoa Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Hùng – lúc ấy là sinh viên của Stanford – có về nước và từ đó hai anh em bắt đầu làm chung một vài dự án. Sau đó, khi Sếp quay trở lại Mỹ để hoàn thành chương trình học và nhận bằng, mình vẫn giữ liên lạc nhưng việc cộng tác không thực sự nhiều. Có thể nói, mình với Sếp chính thức làm việc cùng nhau một cách tập trung nhất khi Sếp đã tốt nghiệp và về nước – đó là thời điểm năm 2012.
Vậy 9 năm trước khi anh còn đang là sinh viên năm 4, anh Hùng đến gặp anh và nói về ý tưởng khởi nghiệp, cảm xúc của anh thế nào?
Từ khi còn học năm 3, mình đã bắt đầu làm việc tại bộ phận R&D (Research & Development) trong một tập đoàn. Mình ở đó khoảng 1 năm, sau đó chuyển về làm cùng anh Hùng từ ngày ấy cho tới bây giờ.
Khi Sếp đến gặp mình và nói về ý tưởng làm Startup, mình không có cảm xúc gì nhiều đâu, lúc ấy chỉ nghĩ rằng: “Cũng khá OK đấy, thôi thì cứ làm xem thế nào”.
Mình nghĩ đó là một cái duyên, giống như mọi người vẫn nói là “đúng người và đúng thời điểm” thì mọi thứ đều đúng. Anh Hùng và câu chuyện làm Startup đã đến với mình vào đúng thời điểm mà mình cảm thấy môi trường làm việc cũ không còn phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của bản thân nữa.
Sau đó hai anh em vừa học vừa làm, mình học được rất nhiều điều từ Sếp. Dần dần, những định hướng cụ thể và chi tiết hơn về sản phẩm mới bắt đầu được xây dựng.
Công việc của anh ở một Startup như Base có giống với những gì anh đã nghĩ trước đó không?
Ở vị trí của mình, phần công việc chính thường rất thuần về kỹ thuật. Mình may mắn không phải gánh vác quá nhiều thứ liên quan đến thị trường, khách hàng, chiến lược kinh doanh… Công việc của mình luôn rất thuần về công nghệ, và càng làm thì yêu cầu về những kiến thức kỹ thuật lại càng sâu hơn, liên quan đến sản phẩm nhiều hơn.
Với Base Platform, công việc của mình về cơ bản là phát triển sản phẩm và phụ trách nền tảng hạ tầng phía sau. Đó cũng chính là thế mạnh của mình. Tất cả những gì mà Base muốn làm để giải quyết sâu các bài toán của doanh nghiệp đối với mình giống như một cơ hội để được học thêm nhiều kiến thức mới và được xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới.
Bên cạnh công việc, thì môi trường làm việc và con người ở Base cũng là những gì mà mình đã mong muốn trước đó. Khi lựa chọn rời đi hay ở lại một tổ chức nào đó, mình luôn yêu cầu bản thân phải trả lời được câu hỏi: “Muốn làm việc với ai?” một cách rõ ràng nhất.
Thêm nữa, dù thế nào thì công việc của mình cũng liên quan đến kỹ thuật nhiều hơn. Mình biết là dù Sếp có quyết định điều gì, thì những nhiệm vụ và thử thách dành cho mình vẫn nhiều như vậy thôi.
Đâu là thời điểm khó khăn nhất của Base trong suốt hơn 5 năm qua?
Đó là khi Base phát triển và mở rộng quy mô nhưng hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được. Khi ấy, hệ thống rất dễ quá tải do lượng người dùng và dữ liệu tăng nhanh, nhưng không đơn giản để có thể mở rộng phần cứng ngay lập tức.
Việc hệ thống không ổn định đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng doanh nghiệp của Base và hàng triệu người dùng. Thời điểm ấy, bọn mình phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, về mặt uy tín của công ty cũng như về khía cạnh kinh doanh, mọi người không tự tin giới thiệu và tư vấn với khách hàng về các giải pháp của Base. Bản thân mình và các bạn lập trình viên khác cũng không có nhiều thời gian để tập trung phát triển những sản phẩm mới vì thường xuyên phải fix những yếu tố liên quan đến hạ tầng.
Cũng ở thời điểm đó, có những lần server đột nhiên gặp trục trặc, nhưng lỗi không phải do bên cung cấp server mà lại do nhà mạng của họ. Lúc ấy bọn mình không biết phải làm gì, bởi chính bên cung cấp cũng không biết phải làm gì. Nhưng bọn mình không thể nói với khách hàng rằng: “Anh chị cần phải chờ, còn chờ đến bao giờ thì em cũng không biết”.
Vì thế mà anh đã quyết định đưa toàn bộ nền tảng Base lên Google Cloud? Quá trình này diễn ra trong bao lâu và có gặp khó khăn nào không?
Google Cloud Platform, Amazon Web Services hay Microsoft Azure là những lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp cần hạ tầng ổn định, mở rộng nhanh và đáp ứng được cả nhu cầu kinh doanh ở thị trường quốc tế.
Quá trình đưa nền tảng Base lên nền tảng điện toán đám mây của Google cũng gặp rất nhiều thử thách. Khi ấy, dữ liệu trên hệ thống Base tương đối nhiều, trong khi bọn mình còn thiếu nhiều kiến thức về Google Cloud. Không những thế, khi nhìn ra thực tế, các công ty có kiểu mô hình giống như Base trên Google Cloud cũng chưa có nhiều.
Lúc ấy, tất cả anh em team Product đều vừa làm vừa học và cũng phải đi qua nhiều lần thử sai, bởi có rất nhiều thứ khi đưa lên rồi bọn mình mới nhận ra là nó chưa thực sự phù hợp hoặc vẫn có thể tối ưu hơn nữa.
Cả quá trình từ khi bắt đầu đưa toàn bộ nền tảng Base lên Google Cloud cho đến khi nó có thể chạy thực sự ổn định kéo dài khoảng 4 tháng. Mình nghĩ đây là một bước tiến lớn của một Startup công nghệ Việt Nam.
Có phải sau đó anh đã “nhàn” hơn rất nhiều không? Và câu nói “Làm infrastructure ở Base nói chung cũng nhàn” của anh ra đời cũng là vì thế?
Đã có những thời điểm mọi thứ thực sự bị quá tải. Base đã phát triển rất nhanh trong 5 năm qua, từ số lượng sản phẩm, khách hàng, người dùng, lượt truy cập… đòi hỏi bọn mình phải liên tục đổi mới.
Đối với mình, thời điểm khó khăn nhất khi làm infrastructure ở Base là khi công ty chuyển từ kiến trúc cũ sang một dạng kiến trúc mới và có sự phát triển nhảy vọt từ giai đoạn này sang giai đoạn khác trong thời gian ngắn. Nó giống như việc nền tảng của bạn đang phục vụ 10 nghìn khách hàng và bạn cần phải xây dựng một hệ thống cho 10 triệu khách hàng. Lúc này, bước nhảy vọt ở đây là rất quan trọng và những thay đổi ở hệ thống là cực kỳ lớn.
Nhưng sau đó, khi hệ thống có thể đáp ứng và chạy ổn định rồi thì việc duy trì và mở rộng nó lại tương đối đơn giản, đặc biệt là hiện tại mình đã có thể tận dụng được nhiều thế mạnh của Cloud.
Hiện nay, cả Google và Amazon đều có những giải pháp rất tốt giúp tối ưu và ổn định hệ thống, nên mình không cần phải đau đầu trước sự phức tạp của nền tảng nữa, cũng không cần phải quan tâm quá nhiều đến phần cứng, mà có thể tập trung hơn vào bài toán mà mình cần giải, đó là thiết kế hệ thống.
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, việc mình phải dậy giữa đêm để “cứu” một cái gì đó không còn nhiều như trước nữa. Thỉnh thoảng cũng vẫn có, nhưng đã ít hơn so với trước đây rất nhiều rồi.
Hiện tại, công việc chính của mình là hỗ trợ mọi người những gì liên quan đến hạ tầng, cũng như những gì liên quan đến lõi của hệ thống, đồng thời trợ giúp các bạn team Product trong việc tối ưu những mã nguồn, bởi có nhiều mã nguồn các bạn viết ra nhưng chưa thực sự phù hợp với hạ tầng hoặc bài toán hiện tại.
Nói chung là cũng “nhàn” thật đấy.
Mọi người nói rằng anh là “lớp phòng tuyến” cuối cùng cho toàn bộ hệ thống của Base. Anh có áp lực không?
Áp lực chứ. Mình cũng không dám nhận đâu, vì thật ra nếu không có mình thì cũng sẽ có người khác làm điều đó. Mình chỉ nghĩ là khi đã nhận trọng trách và được tin tưởng thì phải cố gắng làm tốt nhất có thể thôi.
“Người khác” ở đây là ai ạ?
Sếp (cười). Nhưng nếu như gánh nặng đó cũng đặt lên vai Sếp thì vất vả quá. Thế nên mình vẫn nhận nhiệm vụ ấy và hoàn toàn vui vẻ làm nó mỗi ngày, vì thật ra cũng không có gì nhiều cả
Hơn nữa, ở Base, các bạn lập trình viên đều rất giỏi và cũng rất chăm chỉ. Các bạn team leader của Product đều là những người xuất sắc.
Vậy anh có cho rằng mình là một người xuất sắc không?
Để khách quan nhất, mọi người có thể nhìn vào nền tảng Base và sự phát triển của Base để nói về mình – một trong những người đứng đằng sau hệ thống ấy.
Khi làm sản phẩm, thế mạnh của mình là back-end và logic, là những kiến thức liên quan đến hệ thống lớn. Mình có thể hiểu rất sâu bản chất của tất cả các sản phẩm và cách thức vận hành của nó, và cả việc nó sẽ như thế nào khi có số lượng người dùng lớn và lượt truy cập nhiều. Chính vì thế, mình có thể làm tốt hơn so với các bạn làm front-end và UI/UX về thiết kế database và structure của sản phẩm.
Nhưng dù sao thì cũng vẫn có những phần mình còn hơi yếu, và phần mình yếu nhất chính là giao diện. Khi càng làm sâu về hệ thống thì mình càng thích thú với những kiến thức logic ở bên trong. Đặc biệt, mình làm nhiều với cửa sổ dòng lệnh và server, và công việc đó không đòi hỏi mình quá nhiều về đồ họa hoặc “vẽ vời”.
Reid Hoffman, founder của LinkedIn, từng nói: “Làm Startup đừng bao giờ nghĩ đến việc cân bằng giữa công việc và gia đình”. Trường hợp của anh thì sao?
Mình cũng chưa cân bằng được, mà chỉ luôn cố gắng để làm điều đó một cách tốt nhất thôi. Đôi khi vì công việc, nhưng cũng có rất nhiều khi chỉ vì tính lan man mà mình không thể dành đủ thời gian cho gia đình.
Dù sao thì mình cũng có ý thức cố gắng: về sớm để ăn cơm cùng gia đình, chơi với hai đứa nhỏ, vì nếu về muộn thì chắc không gặp được nhau mất.
Nhưng cũng may mắn vì công việc của mình liên quan nhiều đến hệ thống nên có những thời điểm mình phải làm đêm rất nhiều và có thể làm ở nhà. Nếu mọi người trong công ty để ý thì sẽ thấy là có thể mình không trả lời tin nhắn lúc 9-10 giờ tối đâu vì lúc đó mình đang đọc chuyện cho hai đứa nhỏ rồi, nhưng 1-2 giờ sáng mà nhắn là mình sẽ phản hồi lại ngay, bởi đó là lúc mình thường dậy để kiểm tra hệ thống, hoặc đọc sách, xem đá bóng…
——
Tôi định hỏi thêm mấy câu về sách, vì qua Facebook, tôi biết là anh đọc rất nhiều nhưng tôi không đủ tinh tế để nhận ra là anh thích đọc loại nào nhất, vì hình như loại nào anh cũng đọc: tản văn, hồi ký, quản trị, kiếm hiệp… Nhưng tôi liếc nhìn đồng hồ, rồi nhìn anh, qua cặp kính dày cộp, ánh mắt anh như đang giục tôi: “Đến giờ anh phải về chơi với bọn trẻ con ở nhà rồi”.
Trước đó tôi “xin xỏ” Hardy 40 phút, nhưng giờ đã gấp đôi thời gian rồi. Anh kể say sưa, tôi nghe say sưa, cảm giác như có thể nói với anh về bất cứ chủ đề nào cũng được vì cái gì anh cũng rất am hiểu, từ công nghệ, thể thao, chính trị, văn học, tôn giáo… Anh bảo “mỗi thứ đều biết một ít thôi”, nhưng sao tôi cứ thấy mình đang nghe như “nuốt từng con chữ”…
Cuối cùng tôi cũng hiểu tại sao mọi người nói rằng Hardy thú vị lắm.