Nguyễn Thị Diễm Nguyên – Sale MVP của Base HCM với gần 3 năm kinh nghiệm tư vấn cho 300+ doanh nghiệp ở đa ngành nghề, một số công ty tiêu biểu: Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampong Thom (Campuchia), Công ty TNHH Sơn TOA Việt Nam, Học viện Hàng không Việt Nam, Công ty TNHH XNK Thuỷ sản Trang Khanh, Học viện Quản lý PACE,…
- Nếu lạc vào một khu rừng, Nguyên được chọn đi cùng hai người, đó là ai?
Chắc là ba và sư cô.
Vì mình sợ rừng lắm, nên chắc chắn phải chọn người mà mình có thể tin tưởng nhất.
Ba là một người có thể nói là hình tượng “người đàn ông vững vàng” nhất, người mà mình tin mình có thể dựa dẫm trong mọi hoàn cảnh. Hơn nữa, ba rất thích rừng và từng là bộ đội nên chắc chắn là người có thể cứu nguy cho mình 😀
Sư cô là một người thông tuệ nhất mà mình gặp, người có thể giúp mình tìm kiếm cảm giác an yên dù trong hoàn cảnh lo sợ hay bất an. Mà vào một hoàn cảnh nguy hiểm, cái khó nhất không chỉ là giữ mạng, mà còn là “giữ mình”. Chắc chắn sư cô là người dẫn dắt tâm hồn mình tốt nhất trong lúc đó.
Để tự nhận xét về mình, Nguyên nhận định mình là người như thế nào?
Một đứa trẻ trên hành trình khám phá bản thân mình
Một người trẻ còn rất nhiều sai lầm và ngu ngơ
Một con người lành lặn khát khao được cống hiến
Còn nếu là 3 tính từ Nguyên muốn mình luôn giữ gìn và phát triển. Đó sẽ là Biết ơn – Dấn thân – Kiên định
- Được xem là người có “Hành trình vào Base rất khác biệt”, Nguyên có thể chia sẻ thêm về cơ duyên của mình khi chuyển từ việc làm về Brand sang làm Sale B2B tại Base?
Mỗi người sẽ có một câu chuyện riêng, mình tin là tất cả các bạn đều có một hành trình đặc biệt khi đến với Base.
26 tuổi với vài năm kinh nghiệm làm Brand Marketing, mình bước vào quyết định chuyển hướng sang B2B Sales với một mong muốn duy nhất: Vượt qua nỗi sợ của chính mình – sợ bị từ chối.
Công việc cũ, một vài thành tựu cũ cho mình một sự “hào nhoáng”, sự “tự tin bề nổi” nhưng sớm bị cuộc đời “xô ngã” bằng một vài cú thất bại ”liên hoàn”. May mắn thay là thời điểm đó bản thân mình đã nhanh chóng đứng dậy, nhìn nhận những thiếu sót và sai lầm của bản thân, và chọn một con đường mới – con đường mà mình tin rằng nó cho mình thứ mình cần (chứ không phải thứ mình thích).
Mình tin vào chữ “duyên” và khi mình nhìn thấy rằng Base với một sứ mệnh đáng tự hào, với những đồng đội khát khao cống hiến cho một lý tưởng, một môi trường rất “healthy”, thì mình cũng tin đây là nơi mình tìm kiếm.
Quá trình phỏng vấn có gì khác biệt khiến Nguyên quyết định chính thức gia nhập Base?
Nguyên phỏng vấn Base qua 2 vòng: Vòng 1 với anh Tuấn Anh (giờ là leader của mình), vòng 2 với anh Viển.
Với mình, phỏng vấn không phải để “xin” một công việc mà để hai bên (công ty và ứng viên) hiểu nhau, hiểu được kỳ vọng của nhau và đánh giá được mức độ phù hợp của đối phương. Vì vậy phỏng vấn thì mình cũng rất thẳng thắn là mình đang mong đợi điều gì ở môi trường làm việc, văn hoá nào sẽ phù hợp với tính cách của mình, điểm yếu của mình là gì,… Thời điểm đó, kỳ vọng của mình có một người dẫn dắt khá cao. Anh Tuấn Anh đã rất thẳng thắn rằng anh ấy không thể giúp mình theo kỳ vọng đó, nhưng đổi lại sẽ luôn tạo môi trường để mình có thể tự “vùng vẫy” và tìm ra cách riêng. Mình thích sự thẳng thắn đó và thích môi trường làm việc ở Base nên mình quyết định “dấn thân” thôi.
- Dấn thân vào ngành sale B2B, Nguyên cảm thấy như thế nào?
Chắc chắn là thấy mình lớn hơn, dạn dĩ hơn, thấy cái tôi ngạo nghễ ngày nào đã biết cúi đầu hơn nhiều rồi.
Sự trưởng thành nào cũng có cái giá của nó. Những lần khách hàng từ chối, những lần khách hàng hủy hẹn, những lần sai lầm dẫn đến sự khó chịu – thậm chí là phản ứng tiêu cực từ khách hàng, những lần hoang mang không biết phải dẫn dắt team của mình như thế nào… và rất rất nhiều sai lầm, đã giúp mình học được rất nhiều, lớn lên rất nhiều, khiêm nhường hơn rất nhiều để thấy mình còn nhiều thứ ngu ngơ lắm.
Và không chỉ có những sai lầm, mà chính từ những bạn bè – đồng nghiệp xung quanh cũng đóng góp vào sự trưởng thành của mình không kém.
- Năm 2022 đánh dấu một bước vượt bật về kết quả doanh thu của Nguyên. Và đa số đến từ các khách hàng lớn. Vậy tố chất nào đã giúp Nguyên làm được như vậy?
Phải “dám” trước đã
Năm 2022, sau khi có một sự ổn định cơ bản qua quá trình “mài rìu”, mình “dám” hơn, “lì đòn” hơn chắc đó cũng là yếu tố đầu tiên giúp mình tiếp cận & làm việc được với các tệp khách hàng lớn hơn. Nhưng không có nghĩa là dám xong là mình làm được ngay, lần đầu gặp các Khách hàng quy mô từ 500 – 600 cũng run lắm, thậm chí khách đã chốt deal vẫn còn run.
Nhưng mình cũng hiểu “dám” không là chưa đủ, cần có thêm “vũ khí” & đồng đội.
Nhận diện ra được điểm mạnh của mình và tập trung rèn luyện – phát triển
Qua quá trình làm việc và review liên tục sau mỗi khách hàng (dù win hay không) trong suốt thời gian làm Base, Nguyên cũng nhận ra những điểm mạnh của mình liên quan đến khả năng kết nối – thương lượng.
Nhận ra những điểm mình chưa tốt và nhờ sự hỗ trợ từ đồng đội
Năm vừa rồi, trước rất nhiều khó khăn của thị trường, Base cũng đã có ít nhiều những định hướng để ưu tiên hỗ trợ cho các khách hàng lớn, cụ thể là các chính sách ưu đãi về giá, chương trình triển khai chuyên nghiệp, hay việc ra đời của team Solution Engineer.
Thường thì sau khi đã hiểu những thông tin từ khách hàng, mình sẽ xem xét kỹ các điểm mạnh – yếu của bản thân, biết mình cần những cộng sự nào hỗ trợ và chính xác là hỗ trợ những gì. Thường đó là sự giúp đỡ của SoE, CO vì đa số các case có sự phức tạp về mặt dữ liệu; hoặc sự định hướng từ sếp Viển hay anh Tuấn Anh.
Về điều này, mình đã & đang học hỏi được rất nhiều từ Cúc hay anh Nghĩa Trần.
Cuối cùng, lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực
Việc theo đuổi các khách hàng lớn đòi hỏi nhiều thời gian hơn và nỗ lực hơn. Và với vai trò BC kiêm nhiệm thêm vai trò leader, phải xác định đâu là mục tiêu và mức độ ưu tiên trong quỹ thời gian có hạn. Và mình chọn cách chủ động chuyển các khách hàng quy mô nhỏ và đơn giản hơn cho các bạn trong team. Điều đó cần một chút quyết liệt và can đảm trong thời gian ban đầu. Cơ bản là việc lựa chọn vốn dĩ chưa bao giờ là thứ dễ dàng với mình.
- Trở thành Sale MVP, có những khách hàng lớn, bên cạnh thành công chắc cũng thiếu những thất bại khiến Nguyên “đau” nhỉ?
Nguyên không gọi những gì mình đạt được gọi “thành công”, tạm gọi là một vài quả ngọt mình thu được.
Còn thất bại thì chắc chắn là rất nhiều rồi. Mình cũng phạm nhiều sai lầm trong cách chọn đồng đội, cách dẫn dắt team, nhiều sai lầm trong cách làm việc với khách hàng. Dù mình tự tin là mình đã chuẩn bị trước tinh thần: Phải dám làm trước đã, đừng sợ thất bại, nhưng thành thật là lúc đối diện thì mình cũng run rẩy, bất an, cảm xúc cũng “bầm dập” lắm chứ không có bình thản như mình nghĩ mình có thể.
May mắn là trời sinh cho cái tính cũng lì đòn nên thường thì những lúc như vậy mình tự an ủi bản thân “Bài học này chưa được học nên giờ cuộc đời cho học sớm, ráng học một lần thôi chứ không khôn ra thì học thêm lần nữa là tơi tả”. Vậy là cứ thế mà ngồi xem xét lại, rút ra bài học, rồi đứng dậy đi tiếp thôi.
Cũng có những đợt tâm hồn “tả tơi” vì gặp vấn đề ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống cùng một lúc. Thì lúc đó mình chọn cách dừng lại, cách ly với thế giới bên ngoài, vào khóa thiền để tâm mình tĩnh lại. Lúc quay trở lại cuộc sống, những khó khăn vẫn còn nguyên đó, chỉ là lúc đó tâm hồn mình nhẹ nhàng, sáng suốt để tách biệt những khó khăn bên ngoài với cảm xúc bản thân. Từ đó, mình đối diện và xử lý mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều.
- Để chọn những thành viên đồng hành cùng mình, Nguyên yêu cầu các bạn có những tố chất gì?
Mình cảm thấy bản thân chưa phải người dẫn dắt tốt, còn phải học hỏi nhiều, nhưng sau một thời gian làm quản lý tại công ty cũ và tại Base, mình hiểu những người như thế nào sẽ phù hợp với mình, phù hợp với văn hoá của một công ty tăng trưởng nhanh.
Đầu tiên phải là người tử tế. Làm công việc gì cũng cần tử tế cả. Nhưng với vai trò Seller và một môi trường trẻ như Base thì càng quan trọng. Vì làm Sales mà không tử tế thì dễ “mất mình” lắm, làm với người trẻ mà không tử tế thì làm ảnh hưởng tới tương lai & góc nhìn của các bạn trẻ về môi trường làm việc, về sự đối đãi trong các mối quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên.
Tiếp theo bạn cần có tham vọng. Khi còn trẻ quá thì ai cũng sẽ có những hoang mang về mục tiêu & cuộc đời. Nhưng tham vọng ở một hướng tích cực đơn giản là bạn biết bạn muốn gì ở công việc này, và bạn sẵn sàng đánh đổi những gì ở tuổi trẻ của mình để đạt được nó. Nếu không có mong muốn gì rõ ràng thì rất khó trong việc dẫn dắt.
Cuối cùng là một chút thông minh và có sự quan sát Công việc ở Base hầu như chưa có một công thức nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người. Sự thông minh sẽ giúp bạn học hỏi nhanh từ những sai lầm của chính mình và của những người xung quanh, từ đó rút ngắn thời gian xây dựng “nội tại”. Một thứ mà theo mình thì khó ai có thể truyền đạt cho bạn.
- Có khoảnh khắc nào Nguyên cảm thấy mình “độc hành”, gặp những vấn đề khó, khách hàng khó nhưng không được sự giúp đỡ từ những người xung quanh?
Tất cả chúng ta, có ai không “độc hành” không nhỉ ? Không chỉ trong công việc thôi đâu, trong tất cả khía cạnh khác trong cuộc sống.
Ví dụ trong công việc, một hôm bạn bị khách hàng mắng, bạn buồn, mình ở bên đồng cảm với bạn, dù mình có chia sẻ với bạn rất nhiều điều. Nhưng chắc chắn mình không thể có nỗi buồn như bạn đang có, mình không thể thay bạn đối diện với bản thân bạn về những tự vấn để nhìn nhận lại bản thân sau việc đó,…
Hay dễ hình dung hơn, khi bạn bị ốm, ba mẹ, người thân hối hả lo cho bạn nhưng đâu ai đang chịu cơn đau như bạn.
Chúng ta sinh ra và đi một con đường riêng của bản thân. Mỗi người một con đường, không ai giống ai. Trên con đường đó, bạn đi một mình, một số người là thầy chỉ đường, một số là “cổ động viên”, một số khác là “tấm chắn” đường. Họ có thể xuất hiện bên bạn nhưng chắc chắn không đi trên con đường đó.
Còn với đoạn đường tại Base, dĩ nhiên Nguyên và tất cả mọi người đều độc hành. Nhưng may mắn là Nguyên có những người dẫn dắt rất tâm huyết, những cổ động viên rất nhiệt tình, nên mình cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương và nâng đỡ rất nhiều.
Đối với các bạn gen Z đang đặt câu hỏi: Mục tiêu sống của cuộc đời mình la gì, Nguyên có lời khuyên nào hay không?
Mình nghĩ câu hỏi đó không chỉ đến với các bạn Gen Z đâu, mà nó xuất hiện với mọi chúng ta, ở mọi lứa tuổi, thậm chí là nhiều lần trong đời. Bây giờ xã hội có một định danh cho những hoang mang khi đi tìm mục tiêu hay ý nghĩa cuộc sống bằng cụm từ “Khủng hoảng hiện sinh”.
Nguyên không có lời khuyên gì đâu, vì mình cũng không phải nhà tâm lý học hay xã hội học. Chỉ là với vai là một người cũng từng loay hoay rất nhiều lần và may mắn tìm ra thì mình luôn tin là “Khi bạn sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”, khi bạn thật sự trăn trở về điều đó, nhiều, rất nhiều thì câu trả lời dành cho bạn sẽ xuất hiện.
Và thứ hai, không cần phải so sánh mục tiêu của mình với người khác, không cần phải lấy những quy chuẩn chung của xã hội trở thành mục tiêu của bản thân. Cứ thả lỏng và tìm kiếm câu trả lời ngay từ trong bản thân. Khi mình đối thoại và thấu hiểu bản thân mình đủ nhiều, hiểu điều gì là thứ sẽ thúc đẩy mình nhiều nhất, mình muốn để lại điều gì, khoảnh khắc đó là lúc bạn nhận ra mục tiêu cuộc đời mình.
Còn làm sao để đối thoại với bản thân, làm sao để biết mình muốn để lại điều gì thì như Nguyên nói ở trên, cứ trăn trở đi, rồi “người thầy” của bạn sẽ xuất hiện.
Với Nguyên thì Nguyên nhờ vào thiền tập và một số phương pháp khác.
Một trong những cách chủ động để tìm thấy mục tiêu sống của mà Nguyên đã từng nghiên cứu và áp dụng một phương pháp khá phổ biến và cũng đem lại hiệu quả. Đó là: Tưởng tượng về đám tang của chính mình. Phương pháp này đòi hỏi sự tập trung và trí tưởng tượng cao, và đôi khi nó mang lại những cảm xúc thật sự “dâng trào” khi đối diện với một sự thật – rất thật là mình sẽ phải rời khỏi cuộc đời.
Hình dung chính xác những người bạn muốn họ xuất hiện ở đó, những điều bạn muốn họ trân trọng, biết ơn khi nói về bạn, những điều mà bạn đã làm mà đã thật sự giúp đỡ được họ. Đó hẳn là những di sản bạn muốn để lại cho cuộc đời.
Dù di sản đó là một điều đơn giản hay một tham vọng vĩ đại, thì cũng chẳng sao cả. Hãy tự hào về điều đó cứ sống cuộc đời bạn muốn một cách ý nghĩa nhất. Đó cũng là điều mình muốn nhắn nhủ với bản thân mình mỗi ngày và nhắn nhủ với các tất cả mọi người.
Cám ơn Nguyên về buổi chia sẻ. Chúc bạn tiếp tục thành công trong chặng đường sắp tới.