Loading...

Chuyện làm Product của “người tập trung nhất” văn phòng Base.vn

Share This Post

Share on facebook
Share on linkedin
Share on twitter
Share on email
Reading Time: 12 minutes

“Chiến binh” lâu năm Khúc Ngọc Đạt đối với tôi là một trong những nhân tố “bí ẩn” nhất ở team Product. Tôi chưa từng thấy anh tham gia vào mấy trò “căng thẳng hơn code” trong khung giờ làm việc sau 17h30, cũng ít khi thấy anh xuất hiện trong những tấm hình mà team chụp chung. Ấn tượng ban đầu của tôi về anh chàng Full-stack Senior Software Engineer Level 6 này đó là một người hơi khó gần.

Nhưng mỗi khi nhắc đến tên anh, mọi người vẫn thường nói: “Đạt Khúc is the best”. Điều này càng khơi gợi lên cái bản tính tò mò trong tôi và quyết tâm vén “bức màn bí ẩn” cứ thể lại tăng dần thêm.

Chiều hôm ấy, sau khi đã “xin phép” vắng mặt trên bàn cờ Cá ngựa, tôi hào hứng đợi anh trên chiếc ghế sofa màu đỏ ở chính giữa văn phòng Base. Ngồi đối diện “nhân tố bí ẩn” Khúc Ngọc Đạt, tôi tự nhủ, đã đến lúc phải đính chính lại rằng anh không hề khó gần như cái ấn tượng ban đầu mà anh đã để lại trong tôi. Anh Đạt quả thực là “the best” !

Anh đặc biệt nhớ những mốc thời gian quan trọng của mình với Base. Anh nhắc nó với tôi một cách rõ ràng và cực kỳ tự nhiên: “Anh bắt đầu ở Base từ ngày 2 tháng 5 năm 2019, sắp được 2 năm rưỡi rồi đấy”. Cứ thế, tôi được mời vào “cuộc phiêu lưu” cùng nhìn lại hành trình hơn 2 năm kể từ khi trở thành Baser của anh với những thăng trầm trong câu chuyện làm Product, xung quanh chúng tôi vẫn là âm thanh quen thuộc của những viên xúc xắc trên bàn cờ cá ngựa – một trong những điều đã làm nên thương hiệu của team Dev…

Hơn 2 năm trước, anh đã “bén duyên” với Base như thế nào?

Trước khi làm ở Base, mình đã làm ở 3 công ty khác nên cũng được gọi là có chút kinh nghiệm rồi. Mình đã đến với Base một cách rất tình cờ, khi đang tìm kiếm một công ty phù hợp để có thể “toàn tâm toàn ý” gắn bó và cống hiến lâu dài.

Khi đang lang thang ở các hội nhóm trên Facebook, mình thấy tin tuyển dụng của Base, tất nhiên là cũng thấy rất nhiều công ty công nghệ khác cũng đang tuyển Dev. Mình đã note lại một danh sách từng công ty, địa chỉ, vị trí tuyển dụng, yêu cầu, mức lương… theo thứ tự ưu tiên.

Base là công ty thứ 3 mà mình đến phỏng vấn trong danh sách ấy.

Giữa nhiều công ty như vậy, điều gì đã khiến anh chọn Base?

Thật ra không phải chỉ là mình chọn Base đâu, mà là chúng mình đã chọn nhau.

Điều khiến mình cảm thấy ấn tượng và bị thu hút nhất bởi Base, đó chính là… cách Base cho mình “fail” trong cuộc phỏng vấn.

Sau khi phỏng vấn vòng 1 với hai bạn là Hardy và Kiên, mình tự đánh giá là tạm ổn. Nhưng đến vòng 2, những câu hỏi sâu hơn về bảo mật và và giải thuật của sếp Hùng đã dập tắt hi vọng của mình. Mình gần như không trả lời được câu nào cả, cảm giác “fail chắc rồi”. Base là nơi thứ 2 cho mình có cảm giác như vậy.

Nhưng điều quan trọng nhất khiến mình bị ấn tượng mạnh mẽ không phải là cảm giác “fail”, mà là những câu hỏi của sếp khi ấy đã cho mình thấy rằng tất cả những gì mà Base đang tìm kiếm cũng chính là những gì mà mình đã tự vạch ra cho bản thân và hướng tới trong tương lai.

Base hoàn toàn giống với những gì mà mình đã tưởng tượng và mô tả trong đầu về một công ty mà mình muốn gắn bó: là 1 công ty làm Product, SaaS thì càng tốt.

Những công ty mà mình đã phỏng vấn trước khi đến với Base, mọi thứ đều ổn. Nhưng ở đó, mình không thực sự nhìn thấy định hướng phát triển sản phẩm và mục tiêu rõ ràng của tổ chức. Thế nên, thậm chí khi ấy mình đã xác định rằng nếu không được nhận vào Base, thì cũng sẽ xin đến đây intern một thời gian để học hỏi và phát triển.

Sau đó, khi bạn HR của Base liên hệ với mình, hẹn mình ngày đến thử việc, lúc đó, mình cũng hơi bất ngờ. Base là nơi cho mình cảm nhận được rằng năng lực và trình độ của mình được đánh giá rất chính xác và hoàn toàn đúng với những kiến thức và kỹ năng mà mình có tại thời điểm ấy.

Anh từng là ứng viên đến Base và đã nghĩ rằng mình không thể pass vòng phỏng vấn, và hiện tại anh cũng chính là người phỏng vấn những bạn gửi CV vào Base. Được biết là tỷ lệ ứng viên pass qua vòng anh cũng không cao, anh “đòi hỏi” gì ở những bạn ứng viên vậy? Có phải là những gì mà sếp Hùng đã hỏi anh hơn 2 năm trước không?

Thật ra không phải chỉ có tỷ lệ pass qua vòng mình thấp đâu, mà tình trạng này cũng thường xảy ra với các bạn leader và senior khác nữa. Mình nghĩ nguyên nhân là bởi, như bọn mình vẫn thường nói với nhau, Game của Base rất khó chơi.

Môi trường làm việc ở Base khá đặc thù, đòi hỏi rất nhiều về tư duy làm sản phẩm của các bạn. Vì thế mà những bạn đến từ một công ty Outsource thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đáp ứng những yêu cầu của Base.

Đó đơn giản chỉ là sự khác biệt giữa hai môi trường làm việc có cách tư duy làm sản phẩm rất khác nhau thôi chứ hoàn toàn không có sự so sánh nào ở đây cả.

Có 2 nhóm ứng viên điển hình đến với Base. Thứ nhất là những bạn sinh viên mới ra trường và chưa có kinh nghiệm đi làm. Lúc này, bọn mình tìm kiếm ở các bạn kiến thức tốt về thuật toán, cấu trúc dữ liệu và quan trọng nhất là khát khao vươn lên. Thực tế đã chứng minh rằng, những bạn này đã và đang phát triển rất nhanh ở Base.

Nhóm ứng viên còn lại chính là những người như mình: đã ra trường được một thời gian và cũng có chút ít kinh nghiệm. Yêu cầu lúc này chính là định hướng phát triển và con đường sự nghiệp mà các bạn hướng tới trong tương lai: làm Product, thay vì Outsource.

Điều gì đòi hỏi một Dev ở Base cần có tư duy về làm Product “mãnh liệt” đến vậy?

Ở Base, lập trình viên đóng vai trò là Product Owner. Điều đó có nghĩa là các bạn sẽ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối đối với một sản phẩm, chứ không phải chỉ là tạo ra một app chạy được và thế là “task done”. Một sản phẩm như vậy chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ được làm ở Base.

Một lập trình viên ở Base cần “có mặt” trong mọi giai đoạn phát triển sản phẩm. Bạn ấy chính là người tìm hiểu và phân tích phương pháp luận, thiết kế sản phẩm, thiết kế database, triển khai code, và cả test nữa… Chưa dừng lại ở đó, sản phẩm được tạo ra ở Base phải là một sản phẩm có thể tối ưu hơn trong tương lai. Nói cách khác, Dev ở Base là người phụ trách cả một vòng đời của sản phẩm.

Mình nghĩ đây cũng chính là một trong những điều làm nên sự khác biệt của Base. Ở đây, các bạn sẽ nhìn thấy rất rõ “hình hài” của một app mà mình tạo ra và tất cả những giá trị mà nó có thể mang lại.

Đó có phải là những gì mà anh đã và đang làm với app Base Payroll?

Đúng vậy. Chỉ sau 7 tháng kể từ khi vào công ty, mình đã được giao làm Base Payroll từ con số 0.

Base Payroll là phần mềm tính lương giúp đơn giản và tự động hóa toàn bộ quá trình trả lương của doanh nghiệp. Với ứng dụng này, bộ phận nhân sự không cần nhập liệu thủ công và đau đầu với những file Excel nữa, mà có thể dễ dàng tổng hợp và tính toán bảng lương “cực chuẩn” chỉ trong vài phút.

Thật ra khi được giao nhiệm vụ thiết kế và phát triển sản phẩm này, kinh nghiệm và kiến thức của mình vẫn còn thiếu khá nhiều, vì thế mà mình đã phải “đập đi” và “xây lại” khá nhiều lần.

Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá trình làm Base Payroll không? Thực sự là em thấy nó rất tiện, không phải chỉ là với bộ phận nhân sự đâu, mà chính những người nhận lương như em cũng dễ dàng theo dõi mọi thông tin về thu nhập của mình.

Nếu như nói Base Payroll là một app hoàn toàn mới 100% thì cũng không hẳn. Vì thật ra mô hình và ý tưởng về sản phẩm này đã xuất hiện trên thế giới từ rất lâu trước đó rồi.

Mình nghĩ chúng ta luôn có thể tham khảo và học hỏi rất nhiều từ nền công nghệ thế giới, đưa những điều hay và tốt đẹp về Việt Nam và sau đó phân tích, phát triển chúng thành của riêng mình với bản sắc của chính mình. Đó là điều mà mình đã làm khi xây dựng Base Payroll.

Khi mới bắt đầu, mình chỉ biết tìm hiểu các sản phẩm quốc tế đã ra đời trước đó, sau đó thống kê và hệ thống lại tất cả kiến thức một cách cẩn thận. Mình nghĩ nếu như thu thập được càng nhiều dữ liệu thì càng có một cái nhìn tổng quát hơn và cũng dễ lên ý tưởng cho sản phẩm hơn.

Song song với đó, mình cũng tìm hiểu rất nhiều tài liệu nghiệp vụ về tính lương, thuế, bảo hiểm, cũng như công việc và chuyên môn của một bạn kế toán nói chung.

Sau đó, mình cũng có tham khảo ý kiến từ những người xung quanh mình – những người sẽ trực tiếp sử dụng sản phẩm. Chị Phương – Giám đốc Tài chính và bạn Trang C&B – người phụ trách tính lương cho nhân sự của Base đã giúp mình có cái nhìn chính xác hơn từ góc độ của user tương lai.

Nhưng dù sao thì mình cũng phải “thử sai” khá nhiều với Base Payroll đấy. Rất nhiều lần khi quá trình phân tích đã xong xuôi nhưng mình vẫn phải làm lại từ đầu do cảm thấy sản phẩm vẫn chưa thực sự phù hợp với luồng thiết kế như vậy và cũng chưa phải là tối ưu, thuận tiện nhất cho người dùng.

Từ khi Base Payroll launching cho tới nay, anh có thường xuyên phải tối ưu và thêm tính năng cho sản phẩm không?

Thỉnh thoảng cũng có, nhưng mật độ không nhiều nếu như so sánh với các app khác của Base. Mình nghĩ một phần là bởi mình khá cầu toàn. Mỗi lần thêm tính năng cho sản phẩm, thì đó chắc chắn phải là điều mà mình đã suy nghĩ và nghiên cứu từ rất lâu rồi.

Từng là mentor của nhiều bạn Dev khi mới vào Base, anh nghĩ khó khăn mà các bạn thường gặp phải là gì?

Qua quá trình hướng dẫn một vài bạn lập trình viên khi mới đến Base, mình có ghi lại một vài khó khăn mà các bạn thường gặp phải, mặc dù chắc chắn đó không phải là tất cả những vấn đề thường gặp, bởi luôn có rất nhiều điều chỉ khi gặp rồi thì bạn mới biết được rằng đó chính là cái khó.

Bản thân framework của Base vốn rất khác, không những thế, tài liệu cho các bạn tham khảo khi mới vào công ty cũng không có nhiều, phân mảnh và không được update thường xuyên. Chính vì thế mà các bạn mới đến thường gặp khó khăn trong việc tìm hiểu, sử dụng framework. Cách tốt nhất để tìm hiểu là thông qua hướng dẫn của mentor, hỏi trực tiếp các thành viên khác trong team hoặc phải tự mày mò. Tuy nhiên khó khăn này đang được khắc phục dần dần, các tài liệu đang thường xuyên được bổ sung, cập nhật trên nhiều kênh: notion, Base Square

Một vấn đề nữa cũng thường “cản trở” các bạn Dev trong quá trình xây dựng một sản phẩm ở Base, đó là các bạn thường không đặt mình vào vị trí của khách hàng. Mình nghĩ điều quan trọng nhất khi làm Product, đó chính là lập trình viên phải đứng ở góc nhìn của người dùng, và khi làm xong một sản phẩm, thì cần phải dùng sản phẩm đó từ chính góc nhìn đó.

Đối với mình, bạn Dev nào cũng cần phải lần theo luồng thao tác của khách hàng, đồng thời suy nghĩ và dự đoán những gì mà một user bình thường sẽ thực hiện khi có sản phẩm trong tay. Chỉ có như vậy, sản phẩm của bạn mới có thể chinh phục được mọi khách hàng.

Đó có phải là bí quyết của anh để tạo ra những apps không có bug như anh em trong team Product vẫn thường nói?

Trong giới lập trình, nếu ai đó nói là làm app và không có bug, thì chắc là “chém gió” rồi.

Những sản phẩm của mình cũng có bug chứ, chỉ là ít hơn so với các app khác thôi. Nhưng cũng có lý do đấy.

Lý do chủ quan chính là trách nhiệm của coder. Sau khi các bạn tester kiểm tra sản phẩm, bản thân mình cũng tự test lại rất nhiều lần một cách cực kỳ cẩn thận. Vì thế mà mình có thể hạn chế tối đa được các bugs xảy ra. Thêm nữa, bản thân mình cũng đã có một chút kinh nghiệm, mình đã từng làm nhiều apps và gặp nhiều bugs rồi, nên cũng phải rút ra được một số bài học chứ (cười).

Nguyên nhân khách quan nhưng cũng rất quan trọng, đó là vì các apps mình làm như Base Payroll, Base HRM, Base Hourly… thường chỉ sử dụng cho bộ phận nhân sự và C&B. Nói cách khác, những sản phẩm của mình không phục vụ 100% nhân sự của một tổ chức, và khi số lượng người dùng ít hơn thì tỷ lệ xảy ra bugs cũng ít hơn.

Mình nghĩ nếu các apps của mình có tỷ lệ người dùng “active” hơn, thì chắc cũng bugs kha khá đấy (cười).

Mọi người trong team Product nói rằng anh có một khả năng tập trung cực kỳ đặc biệt. Có đúng là vậy không?

Mình nghĩ là có chút hiểu lầm ở đây rồi. Khả năng tập trung của mình không tốt đâu, nếu như không muốn nói là khá kém.

Tại sao mọi người lại nghĩ rằng mình tập trung tốt? Đó là bởi mình “tự lượng sức mình”, do dễ bị phân tâm nên mình thường tắt mọi apps chat, từ Base Message cho đến Facebook, và chỉ mở lên vào một khung giờ nhất định trong một khoảng thời gian 20 phút để check thông báo, tin nhắn và trả lời khi cần thiết.

Có lẽ do anh em thấy mình không nhắn tin lại và cũng không trả lời comment nên nghĩ là mình đang rất tập trung đấy. Mọi người bị lừa hết rồi (cười).

Việc phụ trách nhiều apps đòi hỏi mình phải thực sự tập trung để có thể tư duy một cách tốt nhất.

Nhưng sau đó, vào “khung giờ làm việc sau 17h30”, em thấy anh cũng không tham gia vào Cá ngựa hay Uno hay bất cứ trò gì, mà vẫn rất tập trung tại bàn làm việc của mình.

Vì mình đấu không lại các bạn trẻ đấy (cười). Mình nghĩ nhiều người rất giỏi có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc nên có thể vừa code và vừa chơi. Nhưng mình thì không làm được như vậy.

Mình luôn muốn phát triển nhanh hơn nữa. Mà một ngày chỉ có 24h, nên mình chỉ còn cách tối ưu khoảng thời gian trong ngày, gạt bỏ những thú vui khác và tập trung vào đam mê lớn nhất của mình, và cũng là tập trung vào điều mà mình có thể làm tốt nhất.

Trước đây mình hay xem đá bóng và thức đêm thường xuyên vì không muốn bỏ trận nào. Mình là fan của Man đỏ. Nhưng thời gian đó đội đá khá tệ, nên mình thường đến công ty trong tình trạng tâm lý bị ảnh hưởng một chút do đội thua suốt, và cũng thường mệt mỏi vì thiếu ngủ. Sau đó mình đã hạ quyết tâm: “Phải bỏ! ”.

—–

Tôi cười, thầm nghĩ: “May cho anh Đạt nha, mới đêm qua Quỷ đỏ thua ngược 2-4 trong chuyến làm khách trên sân của Leicester City ở vòng 8 Ngoại hạng Anh. Nếu còn theo dõi MU, chắc hôm nay anh không thể ngồi thư thái mà kể chuyện cho em nghe thế này“.

Nhưng cái gọi là “thư thái” đó cũng không kéo dài quá lâu. Sau khoảng 40 phút, anh Đạt có vẻ vội, dường như bắt đầu mất kiên nhẫn với tôi. Ánh mắt của người “thuần engineer” nhìn tôi như muốn nói: “Bình thường anh chỉ mở các apps chat lên có 20 phút thôi, nay ngồi với em gấp đôi thời gian rồi…”. 

Bên cạnh chúng tôi, âm thanh phát ra từ những viên xúc xắc cũng vừa mới thôi. Các Dev nhà Base rục rịch trở lại bàn, sẵn sàng cho những giờ làm việc thoải mái sau những giờ chơi “cực kỳ căng thẳng”.

Đăng ký nhận thông tin

Tin tức, sản phẩm, công nghệ của Base

More To Explore