Base khép lại chặng đường nửa thập kỷ đầu tiên của mình và kế hoạch 5 năm lần thứ 2 đã chính thức được khởi động. Nhiều bài toán giờ không còn là nỗi lo như những ngày đầu, nhưng rất nhiều mục tiêu lớn hơn và khó hơn đã được đặt ra. Đứng trước những đổi thay và thách thức từ cả thị trường và thời đại, triết lý xây dựng sản phẩm của startup này vẫn luôn vẹn nguyên trong bao năm qua. Sau hơn 5 năm, nhiều thứ trong Base chưa bao giờ thay đổi.
Niềm tin tuyệt đối vào con đường đã chọn
Ở Base, ai cũng từng ít nhất một lần được nghe câu nói của Peter Thiel từ CEO Phạm Kim Hùng: “Khởi nghiệp tức là chúng ta thực hiện những giải pháp mà mọi người cho rằng nó sai hoặc không đáng để làm”.
Mùa hè năm 2016, không ít người cho rằng lựa chọn của Base là sai hoặc không đáng để làm. Nhưng 5 người trong đội ngũ nhà sáng lập -những người thuộc thế hệ Gen Y cuối 8X – đầu 9X, chưa từng một lần hoài nghi về con đường đã chọn. Từ hơn 5 năm về trước, trên chính đất nước mình, họ đã lựa chọn và theo đuổi một con đường mà phải rất lâu sau này, phần lớn người Việt mới nhận ra rằng đó sẽ là xu hướng của tương lai.
“Làm sản phẩm SaaS B2B ở Việt Nam là một thử thách”, nhà sáng lập Base.vn khẳng định. Thử thách ấy không chỉ xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa và vai trò thực sự của công nghệ mà chỉ ứng dụng theo “phong trào”, một số khác lại cường điệu hóa và có phần “ảo tưởng” về sức mạnh của những sản phẩm số, mà còn đến từ việc dường như vẫn chưa có một hệ sinh thái đủ lớn để doanh nghiệp có thể vận hành một cách thực sự trơn tru với các sản phẩm công nghệ. “Ngày nào vẫn chỉ sử dụng và trải nghiệm các sản phẩm nhỏ, thì ngày đó vẫn còn quá khó để chúng ta có thể cảm nhận và tin tưởng rằng công nghệ thực sự có thể tạo ra một cuộc cách mạng cho tổ chức“.
Tại thời điểm những năm giữa thập kỷ trước, đối với cả thị trường và bối cảnh Việt Nam, việc tạo ra những sản phẩm nhỏ và riêng lẻ được xem là một lẽ tất yếu, bởi nó đơn giản và phù hợp hơn với sự chuẩn bị vốn có của phần lớn doanh nghiệp. Thế nhưng, đối với những người trẻ có tuổi đời từ 22 – 30 năm ấy, “điều quan trọng nhất không phải làm gì thì dễ hơn, nhanh hơn, hay làm như thế nào để có nhiều doanh thu hơn”. Ngay từ những ngày đầu tiên, điều mà họ quan tâm hơn cả chỉ là làm sao để mang lại giá trị lâu dài nhất, và làm sao để khách hàng tin rằng thực sự có thể đi rất lâu và rất xa với những sản phẩm công nghệ chất lượng.
Một trong những thử thách khi xây dựng nền tảng quản trị, đó là phải đưa ra được những chuẩn mực nhất định và nhiều cách thức khác nhau để giải sâu từng bài toán thực tế của doanh nghiệp. Và tư duy nền tảng, theo CEO Phạm Kim Hùng, đòi hỏi người làm sản phẩm phải tìm hiểu cốt lõi của những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, thay vì nghĩ rằng gặp đến đâu thì giải quyết đến đó.
Thách thức là vậy, nhưng nó cũng có những lợi thế nhất định nếu xét trên một chặng đường dài. Và với những người trẻ ấy, thách thức còn chính là động lực, là một điều gì đó luôn thôi thúc và kích thích họ, cả ngày đó và bây giờ – khi phía trước là vô vàn những thử thách khác đến từ cả thị trường trong và ngoài nước.
Ngày đưa ra quyết định xây dựng một platform là ngày mà đội ngũ những người làm Base có quyền nghĩ đến những vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn và nhiều lời giải sâu sắc hơn, thậm chí là cho cùng một bài toán có vẻ như là tương tự. Sau hơn 5 năm kể từ ngày đầu tiên đi theo con đường ấy, thực tế thị trường và thực tế của Base đã chứng minh rằng niềm tin và sự kiên định của họ năm xưa là đúng.
Và không chỉ đúng, đó còn là một niềm tin thể hiện tham vọng lớn lao của những người trẻ thế hệ Millennials được sinh ra trong buổi giao thời giữa 2 thập niên – những người đã trưởng thành và chứng kiến toàn bộ sự phát triển và bùng nổ của Internet tại Việt Nam.
Với một platform, trong tương lai, họ sẽ không bị giới hạn khi muốn tối ưu lời giải của chính mình hôm nay để tăng thêm giá trị cho sản phẩm, cũng như có thể thêm vào nền tảng các ứng dụng mới một cách liên tục vào bất kỳ lúc nào và của bất kỳ bên nào. Và chỉ khi là một platform, họ mới có quyền nghĩ tới một cuộc cạnh tranh sòng phẳng với những đế chế công nghệ quốc tế, và mới có thể hi vọng ghi tên Việt Nam lên bản đồ Công nghệ Thế giới.
Xây dựng và gìn giữ giá trị
Ý tưởng xây dựng một platform cũng được xuất phát từ chính triết lý xây dựng – gìn giữ giá trị của đội ngũ những người làm Base. Cũng chính vì thế mà việc không ngừng hoàn thiện và thêm các tính năng để tối ưu những sản phẩm đã có, song song với việc thiết kế và phát triển sản phẩm mới luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của startup này. Ở team Product, hai khái niệm Đánh thành và Giữ thành được ra đời cũng vì lẽ đó.
Bất kỳ tổ chức nào, chỉ cần muốn đi thật xa, đều phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, và trên từng chặng đường, họ sẽ có những mục tiêu khác nhau và tạo ra những giá trị khác nhau. Xây dựng một doanh nghiệp mà ở đó, những giá trị đã được tạo ra phải được gìn giữ và gia tăng, bên cạnh việc không ngừng xây dựng giá trị mới chính là “kim chỉ nam” của CEO Base trong những năm qua.
Bài học đầu tiên của một lập trình viên ở Base không phải là làm quen với hơn 60 apps đang có trên hệ điều hành, cũng không phải là framework khác biệt của Base hay bất kỳ kiến thức chuyên ngành nào khác. Bài học đầu tiên mà Dev nào cũng cần phải ghi nhớ trong suốt chặng đường làm sản phẩm ở startup này, đó là không phải cứ tạo ra một sản phẩm chạy được và giải xong một bài toán là nhiệm vụ kết thúc. Điều quan trọng nhất chính là mỗi một bước trong quá trình xây dựng sản phẩm đều phải được chuẩn hóa và tối ưu.
Tạo ra chuẩn mực trong mọi hoạt động của mình trong công việc là câu chuyện “nằm lòng” của những người làm lập trình ở Base. Trước khi bắt tay xây dựng một app, dù là Dev lâu năm hay mới ra trường, đều cần phân tích và trình bày phương pháp luận của sản phẩm đó và cách thức phát triển nó, tạo thành một framework hoàn chỉnh để những người đi sau có thể tiếp nối và tối ưu một cách tốt nhất.
Giữ thành là gìn giữ bản sắc của mình và làm tăng thêm giá trị của những thứ đã được tạo ra. Giữ thành không phải chỉ là fix bugs, mà còn là phát triển thêm nhiều tính năng mới để hoàn thiện sản phẩm. Trong những năm qua, nhiều apps của Base đã được phát triển từ version đầu tiên lên version 7, 8… Và cũng chính bởi Giữ thành, mà cứ cách một vài ngày, các Basers lại “phải” nhận thông báo về những tính năng mới cập nhật của một hoặc nhiều sản phẩm nào đó được gửi về từ Base Changelogs.
Ở một góc khác của cuộc chiến, đánh thành cũng là một “mặt trận” khốc liệt và dữ dội mà Base luôn tham gia một cách rất tập trung và bài bản. Đánh thành là tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới từ con số 0: nghiên cứu phương pháp luận, thiết kế database, business logic, viết các module, feature, UI/UX, back-end, front-end…
Nhiệm vụ Đánh thành luôn là một điều gì đó tạo ra rất nhiều cảm hứng cho các Dev ở Base, bởi họ được tự mình xây dựng, phát triển và là owner có quyền quyết định cao nhất đối với sản phẩm. Đánh thành cho họ cơ hội đứng trước toàn bộ đội ngũ Basers của cả 2 miền Bắc – Nam để tự hào kể về “đứa con” của mình. Nhưng đứa con ấy không cần đến tận 9 tháng 10 ngày “thai nghén”, mà đôi khi chỉ với một phần hai khoảng thời gian ấy thôi cũng đủ để nó được chào đời.
“Văn hóa là thứ không cần phải chứng minh là đúng hay sai”
Trong cuốn Từ tốt đến vĩ đại, JimCollins đã viết: “Văn hóa là thứ không cần phải chứng minh là đúng hay sai. Văn hóa là thứ không cần phải được so sánh với bất kỳ thứ gì”.
Gần 3 năm về trước, CEO Phạm Kim Hùng từng chia sẻ rằng với những công ty còn mới và ít nhân sự thì “Văn hóa” là một khái niệm vừa không thực tế, vừa không rõ ràng. Ở thời điểm hiện tại, khi Base đã trở thành Nền tảng số xuất sắc với đội ngũ nhân sự chạm mốc 300 người và sự tăng trưởng thần tốc trong nhiều năm liên tiếp, đã đến lúc những con người ở đây có thể nhìn lại và định nghĩa một cách đầy tự hào về Văn hóa của doanh nghiệp mình.
“Chính là văn hóa builder”, nhà sáng lập Base khẳng định, “tất cả chúng tôi đều là những builder”.
Kế thừa tư tưởng JimCollins về văn hóa, ở Base, cũng sẽ chẳng có ai đứng ra tranh luận hay giải thích rằng văn hóa của họ là đúng hay sai. Chỉ biết rằng, Văn hóa builder ấy có ở mọi Basers. Đó cũng chính là điều mà họ tin tưởng, trung thành và quyết tâm bảo vệ đến cùng.
Họ ở đây, là rất nhiều người đã dành cả thanh xuân cho Base – những người gắn bó với nơi này từ ngày đầu tiên, những người đã xây dựng cho chính mình một bộ nguyên tắc phù hợp với bộ gen của tổ chức. Họ sẽ không bao giờ chứng minh hay giải thích, nhưng luôn thấm nhuần văn hóa của Base. Họ là những người luôn hiểu rõ cần phải thay đổi những gì và làm như thế nào để giúp công ty trở nên tốt hơn.
Nhưng họ cũng có thể là những người khác nữa – những người mới chỉ có may mắn được đồng hành với tổ chức này trong một thời gian ngắn, được tính bằng tháng, chưa phải bằng năm. Nhưng bởi văn hóa Base thực sự là một thứ khác biệt và cũng rất đặc biệt, nên cũng rất dễ để cảm nhận.
Hơn 5 năm theo đuổi những giá trị đích thực và những sản phẩm tử tế. Trong hơn 5 năm qua, chưa từng có một ngày họ đi chệch khỏi sứ mệnh đã đặt ra từ những buổi đầu. Trong hơn 5 năm qua, WarTime với Giữ thành và Đánh thành đã trở thành niềm tự hào của team Dev. Và trong hơn 5 năm qua, CEO Base vẫn luôn nỗ lực và chăm chỉ làm việc từ 12-16 tiếng mỗi ngày, văn phòng Base chưa bao giờ tắt đèn trước 9 giờ tối, và mỗi chiều vào lúc 17h30 vẫn là âm thanh của những viên xúc xắc trên bàn cờ cá ngựa được phát ra liên hồi bởi những người mà phần lớn xã hội định nghĩa là “kỹ thuật” và “khô khan”… tất cả đều là một điều gì đó rất đặc biệt và vô cùng ý nghĩa đối với mỗi con người ở đây. Tinh thần ấy trở thành thứ tài sản vô giá qua năm tháng, bồi đắp lên một thứ văn hóa khác biệt được gọi là “Builder“.