“Làm nghề dữ liệu khiến mình có dịp tiếp xúc với C-level, được nghe những vấn đề rất lớn: Liệu có nên mở văn phòng tại địa điểm này hay không? Liệu có nên bán sản phẩm theo phương thức A thay vì B hay không? – những câu hỏi rất hay và cần dữ liệu để trả lời một cách rõ ràng nhất, tìm ra giải pháp hợp lý và ít rủi ro nhất” – Thắng chia sẻ.
Câu trả lời của Thắng khiến người viết liên tưởng đến cuốn sách “Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn” – tác phẩm của “ông hoàng vật lý” Stephen Hawking. Để trả lời những câu hỏi lớn, giải thích những khái niệm phức tạp một cách dễ hiểu là điều không hề dễ dàng, phải liên tục rèn luyện, trau dồi cả kiến thức chuyên môn và trải nghiệm cuộc sống.
Profile Trương Quốc Thắng: Quốc Thắng đã có 6 năm kinh nghiệm trong ngành dữ liệu, từng hỗ trợ xây dựng hệ thống dữ liệu từ con số 0 cho các doanh nghiệp đa dạng ngành như: Thẩm định giá, F&B, Bán lẻ, Sản xuất phần mềm, Bất động sản,… Đồng thời, Thắng cũng là giảng viên chính khóa học Data của Base Academy.
Nếu kể về bản thân qua những con số, những con số nào mang ý nghĩa lớn với bạn?
Tính đến thời điểm hiện tại, có 3 con số mang lại nhiều ý nghĩa với Thắng.
4: Thắng đã trải qua 4 nghề: Giáo viên, Sale Bất động sản, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Data
6: Là số năm Thắng đã gắn bó với nghề Data, dấn thân vào công nghệ dữ liệu
9: Một chút tự hào khi Thắng đang có tình yêu gắn bó được 9 năm – cũng là mối tình đầu, may mắn khi sớm tìm được một người đồng điệu về tư duy, quan điểm, giá trị sống.
Thắng có tin vào thần số học hay không?
Không. Mình ghét chuyện cộng trừ năm sinh và áp đặt một con số vào cuộc sống của mình. Ngày xưa mình cũng từng tin vào cung hoàng đạo, nhưng điều đó khiến mình có một định kiến rất lớn, có xu hướng cũng thích người giống cung hoàng đạo với mình. Dần dần mình nhận ra điều đó là sai lầm và mình không muốn có định kiến lên bất kỳ ai, vì mỗi người đều có những nét đặc biệt và quan điểm sống khác nhau.
Cơ duyên nào đã khiến Thắng theo nghề Data?
Lúc nhỏ, bố mẹ mình định hướng mình theo ngành công nghệ, vì các anh chị mình đều học ngành này và đạt thành tựu ở châu Âu, thế nhưng mình vẫn quyết định theo học Học viện tài chính. Khi mới ra trường, dù nằm trong top 10 sinh viên đạt điểm cao nhất, nhưng mình vẫn cảm thấy cảm thấy tư duy phản biện của mình cực kỳ yếu, cảm thấy thất vọng khi không tìm được khoá học nào để cải thiện, sau khi suy nghĩ kỹ, mình quyết định theo nghề Data, với mong muốn học cách phản biện dựa trên logic.
Sau đó, cơ duyên đã khiến mình apply vào vị trí data tại một công ty startup, dù áp lực công việc rất lớn, nhưng đó chính là cơ hội, là môi trường nền tảng để mình tự trau dồi bản thân và có kinh nghiệm, cơ hội nhiều hơn mảng dữ liệu sau này. Về tầm quan trọng của dữ liệu, lấy một hình dung đơn giản, nếu đặt các doanh nghiệp trong một giải chạy 50km, nếu doanh nghiệp có dữ liệu, có công cụ đo lường cho biết khi nào mình cần nạp nước, nạp đồ ăn, nghỉ ngơi, rõ ràng sẽ có lợi thế hơn, có thể đi đường dài hơn.
Điều gì khiến bạn gắn bó với Base suốt 04 năm?
Sếp: Mình may mắn có sếp là chị Phương – người mà mình rất nể trọng. Chị luôn đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng, giúp mình có cơ hội phát triển. Nhớ lúc mới vào Base, Base chưa có database như hiện tại, mình cảm giác “mọi khách hàng đều ở trong đầu của chị Phương”, chị là một người luôn lắng nghe và xem trọng khách hàng, quan tâm đến nhân viên. Đến hiện tại, mình biết thỉnh thoảng chị vẫn vào một số case của CO/CD và xem nỗi đau của khách hàng là gì, đưa ra những góp ý về giải pháp của mình để giúp các bạn xử lý vấn đề.
Cơ hội được phát triển bản thân cùng những người giỏi. Xung quanh mình có rất nhiều người giỏi, ví dụ như Bảo, như Tú – những người dù trẻ nhưng rất xuất chúng, “trăm người mới có một”.
Đặc quyền nghe những bài toán khó – giải bài toán đó
Làm nghề dữ liệu khiến mình có dịp tiếp xúc với C-level, được nghe những vấn đề rất lớn: Liệu có nên mở văn phòng tại địa điểm này hay không? Liệu có nên bán sản phẩm theo phương thức A thay vì B hay không? – những câu hỏi rất hay và cần dữ liệu để trả lời một cách rõ ràng nhất, tìm ra giải pháp hợp lý và ít rủi ro nhất.
Dữ liệu giúp mọi thứ rất minh bạch. Lãnh đạo, người đưa ra các quyết định quan trọng thì càng cần phải dựa trên data, bởi khi có tranh cãi, các team đều sẽ bảo vệ kết quả công việc của họ, để đưa ra quyết định chính xác thì lãnh đạo cần đánh giá dựa trên bức tranh tổng thể, là các báo cáo với số liệu cụ thể.
Vậy còn những thử thách và áp lực?
Có nhiều chứ. Nhớ lần đầu tiên thử việc giới thiệu sản phẩm Zapier đến các team khác theo chỉ đạo từ anh Vương và chị Phương, mình thuyết trình không tốt và bị mọi người nghi ngờ về khả năng sư phạm. Thế nhưng, bản thân mình hiểu ra rằng lý do thật sự là do mình chưa hiểu về sản phẩm. Sau này khi dạy các lớp về data sau này, mình nhận ra kỹ năng sư phạm chỉ là điểm cộng thêm, cách để học viên hiểu vấn đề là giảng viên phải hiểu thật kĩ về sản phẩm và có kinh nghiệm thực tế, cùng cách diễn giải ngắn gọn và dễ hiểu nhất (Ví dụ như sử dụng mô hình nhà kho có nhiều phòng để minh hoạ cho khái niệm kho dữ liệu)
Một thử thách nữa vào đầu năm ngoái khi mình nhận thêm thử thách từ các sếp: xây dựng data service, data không chỉ là team nội bộ inhouse, mà định hướng trở thành một “startup” phụ trách cả việc phát triển nhân sự trong team, quản lý doanh thu và triển khai dịch vụ. Nếu trước đây, team Thắng chỉ làm báo cáo trong nội bộ Base, phòng Marketing, Sale, ngành SaaS, thì nay phải làm cả báo cáo cho khách hàng đa ngành nghề, lĩnh vực, phải tiếp xúc với nhiều phần mềm hơn tuỳ theo mô hình vận hành của khách hàng. Đây là một thử thách lớn khiến mình phải luôn nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện.
Dưới đây là những keyword mọi người nhận xét về Thắng, Thắng có nhận định gì về những quan điểm này:
Chăm chỉ?
Đúng. Khi tiếp xúc với những người đồng nghiệp vừa thông minh, vừa chăm chỉ, mình cảm thấy nếu không mình không giỏi bằng họ thì ít nhất phải “chạy” bằng họ.
Đến nay sau 4 năm đi làm tại Base, mình chỉ đi muộn 1 ngày.
Oldschool – Truyền thống?
Đúng. Mình không có tư duy cởi mở, có những vấn đề mình không thoải mái trong việc tiếp nhận ngay. Ví dụ như khi ChatGPT thịnh hành, mình vẫn chưa thử ngay. Khi yêu thích điều gì đó, mình cũng rất trung thành với điều đó.
Bệnh nghề nghiệp?
Đúng. Khi tiếp nhận vấn đề gì mình hay phải hỏi lại nguồn ở đâu, có xác thực chưa. Bản thân mình có phần hơi… bi quan, hay nghĩ đến những khía cạnh rủi ro, đặt vấn đề dựa trên số liệu thực tế chứ không bay bổng được.
Yes men?
Sai. Đến bây giờ mình không còn là Yes Men nữa. Mình biết được đâu là thế mạnh và điều gì mình cần tập trung
Thích đọc sách?
Đọc sách là cách để mình cân bằng khi làm việc với số liệu, và cũng từng là học sinh viết bài văn dài nhất lớp lúc học cấp 2. Cuốn sách Suối Nguồn là cuốn mình rất thích và học được nhiều điều, hình tượng nhân vật Howard Roark – một kiến trúc sư trẻ theo chủ nghĩa cá nhân, quyết chọn cho mình con đường tranh đấu dù đầy chông gai là nhân vật mình muốn được trở thành.
Với các bạn muốn dấn thân theo nghề data, Thắng có lời khuyên nào hay không?
Kỹ năng quan trọng nhất trong nghề data không phải là công nghệ, kỹ thuật mà là khả năng giải quyết vấn đề – problem solving. Công cụ có thể được học trong 2 – 3 tháng. Thế nhưng trước những bài toán khó liên quan đến chiến lược, các lãnh đạo cần một câu trả lời có thể gợi ra được giải pháp, chứ không đơn thuần là số liệu.
Ví dụ dễ hiểu, công việc data giống như việc đào vàng, bạn có thể đào bằng cuốc, máy móc, hoặc bằng tay, nhưng quan trọng là đào ở đâu? Để tìm câu trả lời, bạn phải tự tìm kiếm để đi tìm cách giải, hoặc… nghe chửi và tìm kiếm tiếp. Người khác còn chửi là còn muốn mình tiến bộ.
Quan điểm thành công của Thắng là gì?
Chỉ mong đêm được ngủ ngon.
Cám ơn Thắng, chúc Thắng sẽ luôn giải được nhiều bài toán khó của tổ chức và luôn thành công trong chặng đường sắp tới!
Xem thêm bài chia sẻ của Thắng về quản trị theo định hướng dữ liệu (data-driven) tại LINK